Thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (kỳ 1): Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư, xây dựng ở khu vực nông thôn. Thế nhưng, hiện nay số lượng công trình hoạt động có hiệu quả rất ít, gây lãng phí tương đối lớn.

Trên 68% công trình ngưng hoạt động

Công trình cấp nước tập trung ở bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) được xây dựng hơn 16 năm trước. Theo người dân địa phương, khi công trình được đưa vào vận hành khoảng 2 năm thì bắt đầu hư hỏng, rồi sau đó không hoạt động được. Hiện nay, bồn nước đã rỉ sét, máy bơm hỏng, nhiều cây cối, cỏ dại mọc bao quanh công trình.

 Công trình cấp nước bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) ngưng hoạt động hơn 10 năm nay

Công trình cấp nước bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) ngưng hoạt động hơn 10 năm nay

Theo bà Thị Vơi, 50 tuổi, trú tại bon Bù Zấp, gia đình bà và nhiều người dân khác đã rất vui mừng khi có một công trình cấp nước tập trung trên địa bàn để cung cấp nước sinh hoạt. Thế nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, công trình nhanh chóng hư hỏng, khiến bà và người dân lại rơi vào cảnh thiếu nước như cũ.

Bà Vơi cho biết: “Nhà tôi gần với công trình cấp nước, nhưng nhiều năm nay phải dùng nước giếng đào. Mùa khô phải dùng nước tiết kiệm, nhưng có thời điểm vẫn không đủ dùng”.

Còn theo ông Điểu Phồn, nguyên trưởng bon Bù Zấp, ông không còn nhớ rõ công trình cấp nước được đưa vào sử dụng từ khi nào. Chỉ biết rằng, sau khi hoạt động được vài năm, do không có tiền để đóng, nên bị cắt điện.

Nhiều năm không sử dụng, bảo dưỡng, nên công trình bị hư hỏng không thể hoạt động được. “Bản thân tôi dù được giao nhiệm vụ vận hành công trình, nhưng chẳng có chuyên môn gì. Tôi chỉ làm mỗi việc đơn giản là đóng, ngắt cầu dao điện”, ông Điểu Phồn cho biết.

 Dù ở sát bên công trình cấp nước, nhưng bà Thị Vơi, bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) vẫn phải dùng nước giếng đào

Dù ở sát bên công trình cấp nước, nhưng bà Thị Vơi, bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) vẫn phải dùng nước giếng đào

Ngoài công trình cấp nước bon Bù Zấp, tại Nhân Cơ còn có công trình cấp nước tập trung tại thôn 5, cũng ngưng hoạt động từ lâu. Công trình này được xây dựng từ năm 2013, sau vài năm hoạt động đã rơi vào cảnh "đắp chiếu" cho đến nay.

Toàn tỉnh hiện có 250 công trình cấp nước tập trung nông thôn được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: chương trình 132, 134, 135; giảm nghèo bền vững; chương trình nước sạch quốc gia... Thế nhưng, theo báo cáo của ngành chức năng, đến nay, chỉ có 79 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động. Trong đó, có 45 công trình hoạt động hiệu quả, 21 công trình hoạt động ở mức trung bình và 13 công trình hoạt động kém hiệu quả.

Như vậy, toàn tỉnh đang có 171 công trình cấp nước sinh hoạt ngưng hoạt động (chiếm 68,4%), gây lãng phí tương đối lớn. Cũng theo báo cáo của ngành chức năng, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 9% số hộ dân nông thôn được dùng nước từ các công trình cấp nước tập trung.

Yếu trong quản lý, vận hành

Tại xã Ea Pô (Cư Jút), hiện có 4 công trình cấp nước tập trung nằm ở các thôn Trung Sơn, Nam Tiến, Quyết Tâm và Bằng Sơn. Các công trình này đang bị hư hỏng nên không còn hoạt động.

Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho biết: Trong số 4 công trình, có 3 công trình hư hỏng đã lâu, một công trình tại thôn Bằng Sơn còn có khả năng hoạt động được.

Cũng theo ông Xoan, một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình hoạt động chưa hiệu quả là do bộ phận quản lý, vận hành thường là các trưởng thôn hoặc người do cộng đồng dân cư cử ra. Họ không có chuyên môn, nghiệp vụ, nên vận hành công trình không tốt, dễ dẫn đến hư hỏng.

"Khi công trình bị hư hỏng, thôn chỉ báo lên xã, nhưng xã cũng không đủ khả năng đánh giá, không có kinh phí để khắc phục, sửa chữa", ông Xoan chia sẻ.

 Công trình cấp nước tại thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) được đầu năm 2017, nhưng sau đó 3 tháng đã ngưng hoạt cho đến nay

Công trình cấp nước tại thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút) được đầu năm 2017, nhưng sau đó 3 tháng đã ngưng hoạt cho đến nay

UBND tỉnh đánh giá, có nhiều hạn chế từ việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung. Cụ thể, ở giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chưa xác định rõ đơn vị quản lý, khai thác; chưa thống kê chính xác số hộ dùng nước.

Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương từ giai đoạn lập dự án đến xây dựng, hoàn thành, vận hành công trình còn rời rạc, lỏng lẻo. Công trình đầu tư ở địa phương nào, mặc nhiên được giao cho chính quyền cơ sở nơi đó quản lý.

Nhiều công trình được xây dựng tại khu vực có địa hình dốc, chia cắt, vùng sâu, phạm vi phục vụ rộng, nên mức đầu tư cao, nhưng lại gây khó khăn cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa. Các chủ đầu tư chỉ chú trọng đến đầu tư công trình mà chưa quan tâm đến bảo đảm tính bền vững và hiệu quả sau khi bàn giao.

Đối với công tác quản lý, vận hành công trình, người thực hiện hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thiếu công cụ và phương tiện để kiểm tra, xử lý sự cố.

Một số xã linh hoạt huy động được tài chính để sửa chữa hư hỏng, nhưng phần nhiều các xã không thể bố trí được kinh phí cho việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình. Chính vì thế, không ít công trình ban đầu chỉ hư hỏng nhỏ, nhưng lâu ngày không được sửa chữa, dẫn tới hư hỏng lớn, xuống cấp và ngừng hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, việc tổ chức lại cách thức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, gắn với các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

>> Kỳ 2: Khó khăn khi "làm lại"

517

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/thuc-trang-cac-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-tap-trung-ky-1-niem-vui-ngan-chang-tay-gang-86562.html