Thực trạng dàn xếp tỷ số của thể thao điện tử Việt Nam
Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), tựa game thành công nhất Việt Nam đang đứng trước thời kỳ đen tối, khi nhà phát hành Riot Games bắt đầu thực hiện cuộc điều tra bán độ và dàn xếp tỷ số với tất cả 8 đội tuyển đang thi đấu tại giải vô địch quốc gia VCS 2024 mùa Xuân.
“Ngựa quen đường cũ”
Ngày 18/3 vừa qua, Riot Games thông báo VCS 2024 mùa Xuân chính thức tạm hoãn để ban tổ chức giải đấu tiến hành điều tra các đội tuyển về hành vi bán độ và dàn xếp tỷ số. Tất cả 8 đội tuyển đã được Riot Games và ban tổ chức giải đấu triệu tập để lấy thông tin gồm Team Secret, GAM Esports, Team Whales, Vikings Esports, Cerberus, MGN Blue Esports, Team Flash và Rainbow Warriors.
Hệ quả của cuộc điều tra là tất cả trận đấu còn lại của vòng bảng VCS 2024 mùa Xuân đã chính thức bị hủy bỏ. Ngoài ra, kết quả các trận đấu của ngày 14/3 cũng sẽ không được tính.
Lúc này, VCS 2024 mùa Xuân vẫn chưa hẹn ngày trở lại. Trong khi đó, vòng chung kết tranh ngôi vô địch quốc gia cũng sẽ được hoãn lại cho đến khi Riot Games hoàn tất cuộc điều tra. Như vậy, bảng xếp hạng của vòng bảng sẽ tính theo kết quả của 7 tuần thi đấu, qua đó xác định 6 đội tuyển tham dự vòng chung kết.
Đây không phải là lần đầu tiên giải vô địch quốc gia bộ môn LMHT phải dừng lại giữa chừng. Trước đó, ở mùa giải VCS 2023 Hoàng Hôn, ban tổ chức giải đấu từng đình chỉ thi đấu đối với đội tuyển SBTC Esports, hoãn lịch thi đấu và hủy bỏ kết quả vì vi phạm nghiêm trọng các quy định và điều lệ. Theo đó, SBTC Esports đã không còn được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan tới giải đấu trong tương lai, áp dụng từ việc tham gia, sở hữu đội tuyển cho tới chuyển nhượng suất thi đấu.
Ở cuộc điều tra gần nhất, 5 vận động viên gồm Trần "Nper" Đình Tuấn, Đỗ "DNK" Ngọc Khải, Nguyễn "Penguin" Đăng Khoa, Lê "Dia1" Phú Quý, Lê "Vinboiz" Trần Quang Vinh đã bị Riot Games cấm thi đấu trên toàn bộ hệ thống giải đấu của mình trong vòng 3 năm. Trong quá khứ, vận động viên Phạm "PHT" Hoàng Thành của đội tuyển Overpower Gaming cũng từng bị cấm thi đấu 2 năm vì hành vi tham gia cá độ khi thi đấu VCS mùa Hè 2020.
Trên thực tế, tình trạng bán độ hay dàn xếp tỷ số trong các trận đấu LMHT cùng những bộ môn khác đã tồn tại rất nhiều năm, xuất hiện ở nhiều giải đấu trên thế giới và có đủ quy mô lớn nhỏ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ môn LMHT thường được chú ý hơn vì có tuổi đời lâu nhất, sở hữu cộng đồng người chơi lớn nhất cũng như có thành tích tốt nhất trên đấu trường quốc tế.
Đa dạng các hình thức dàn xếp
Các trận đấu của môn LMHT thường có các “kèo” về tỷ số, tổng thời gian thi đấu, số điểm hạ gục, mục tiêu trên bản đồ… Theo đó, việc bán độ đối với các tuyển thủ đã trở nên dễ dàng, khi họ chính là những người vận hành trận đấu mà không có bất kỳ sự can thiệp nào. Người theo dõi cũng rất khó xác định trận đấu có dàn xếp hay không và phải cần tới phân tích từ các chuyên gia. Ngoài ra, các tình huống “có mùi” cũng thường được bào chữa với lý do rằng tuyển thủ đưa ra quyết định xử lý kém, tâm lý yếu hay gặp sai số.
Dù vậy, với những tuyển thủ có trình độ thấp, việc dàn xếp tỷ số đã và đang dần bị phát hiện bởi chính khán giả theo dõi giải đấu cũng như giới chuyên môn. Thậm chí, chính các huấn luyện viên đã trực tiếp “mổ băng” và đặt ra nghi vấn về những tình huống được cho là “có mùi”.
Tỷ lệ bán độ và dàn xếp tỷ số trong thể thao điện tử ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc các tuyển thủ từ bỏ con đường học vấn từ sớm để theo đuổi sự nghiệp thi đấu Esports. Do đó, việc bước vào môi trường Esports ở độ tuổi 14-15, thiếu kinh nghiệm sống và kỹ năng mềm đã khiến các tuyển thủ dễ sa ngã vào những cám dỗ của đồng tiền.
Không những vậy, việc nhận được lương thưởng thấp ở các đội tuyển cũng được cho là lý do dẫn đến việc các tuyển thủ “kiếm thêm” bằng cách cá độ trực tiếp vào các trận đấu của mình. Ngoài ra, có nhiều tuyển thủ do không được giáo dục tử tế nên thường rơi vào lối sống buông thả và tiêu xài hoang phí. Từ đó, các tuyển thủ đã chọn cách kiếm tiền thông qua việc bán độ và dàn xếp tỷ số.
Để có thể bán độ, các tuyển thủ thường giao tiếp với nhà cái thông qua trung gian. Theo đó, mức giá bán độ có thể dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi trận. Khi đã quyết định “bán mình cho quỷ dữ”, các tuyển thủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán độ từ trận này qua trận khác. Bởi lúc này, họ đã bị nhà cái “nắm thóp” với những lời đe dọa, bao gồm việc gửi bằng chứng là các tin nhắn, giao dịch tiền bán độ lên phía ban tổ chức giải đấu.
Bán độ hay dàn xếp tỷ số, đau đớn thay, đang dần trở thành “đặc sản” không thể thiếu của thể thao điện tử Việt Nam. Những vụ bán độ lộ liễu của các tuyển thủ đang khiến nền thể thao điện tử Việt Nam nói chung và các đội tuyển nói riêng thiệt hại nặng nề về kinh tế, khả năng phát triển cũng như đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ. Theo đó, thể thao điện tử Việt Nam đang rất cần những bước đi cứng rắn về mặt quản lý thể thao, qua đó có thể làm sạch hệ sinh thái, dẹp bỏ vấn nạn bán độ và dàn xếp tỷ số.