Thực trạng hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm đặc thù
Nhìn từ Ðơn Dương, hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn đó một số khó khăn.
Từ 2008 đến nay, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, UBND huyện Đơn Dương đã xây dựng một số nhãn hiệu nông sản đặc thù của địa phương như: nhãn hiệu chứng nhận Dứa cayenne, nhãn hiệu tập thể Nấm Đơn Dương, nhãn hiệu tập thể Bánh tráng Lạc Lâm và nhãn hiệu chứng nhận Mác mác Đơn Dương.
Kết quả bước đầu
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - Lê Hữu Túc, việc xây dựng một số nhãn hiệu nông sản đặc thù của địa phương bước đầu đã hình thành, hoàn thiện cơ chế phối hợp tương đối đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhãn hiệu và cơ quan có thẩm quyền liên quan trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận trên các khâu tập huấn - đào tạo, thẩm định - giám sát điều kiện sử dụng, tuyên truyền - quảng bá nhãn hiệu… Qua xây dựng nhãn hiệu nông sản đặc thù của địa phương, đã góp phần đưa nhãn hiệu chứng nhận gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tiễn thông qua việc tự nguyện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các đơn vị, cá nhân sản xuất - kinh doanh trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định do cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành.
Đồng thời, việc xây dựng nhãn hiệu nông sản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất - tiêu thụ, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất trên địa bàn. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến thương mại, nâng cao uy tín và giá trị đối với sản phẩm nông sản sản xuất và phát triển trên địa bàn huyện Đơn Dương trong tương lai.
Mặt khác, từ hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đã tác động đến các doanh nghiệp, một số đơn vị đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu, mà trước tiên là dăng ký sở hữu đối với các thương hiệu của mình. Lý do là thương hiệu tạo ra cho người tiêu dùng sự an tâm, nắm được thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm rủi ro…
Ngoài ra, hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương cũng đã góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các giá trị văn hóa - xã hội, qua đó nâng cao uy tín của sản phẩm gắn với địa danh Đơn Dương.
Và những khó khăn
Cũng theo ông Lê Hữu Túc, tuy đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận rộng rãi và bền vững ra cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn. Trước hết, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên chưa bảo đảm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nên sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, chưa qua chế biến. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của người sản xuất về các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế. Công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan hành chính trong việc kiểm soát, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nhãn hiệu, thương hiệu chưa thường xuyên; công tác quảng bá và xúc tiến thương mại chưa thật hiệu quả do những hạn chế về nguồn lực, phạm vi thẩm quyền và các yếu tố kỹ thuật khác. Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận là một lĩnh vực mới, tính liên kết và cộng đồng trách nhiệm của các nhà sản xuất trong phát triển nhãn hiệu còn hạn chế; các hình thức chế tài thích hợp với các hành vi xâm hại quyền sở hữu và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa được xác lập, nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm.
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - Lê Hữu Túc cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đã xây dựng, thời gian tới ngành chức năng của tỉnh cần kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, nâng cao năng lực cán bộ quản lý…
Vì vậy, trước yêu cầu của thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông sản là tất yếu, hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.