Thực trạng nguồn thu của các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn
Để thích nghi với nền kinh tế thị trường, hệ thống y tế dự phòng cả nước nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng đã tăng cường phát triển dịch vụ y tế theo hướng xã hội hóa y tế, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Điều này đòi hỏi công tác quản lý tài chính đối với hệ thống y tế dự phòng phải vừa đảm bảo hiệu quả, vừa đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Thực hiện đồng thời các mục tiêu trên là không dễ dàng đối với hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn - một tỉnh vùng núi cao, có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất và kinh tế địa phương chưa phát triển, mật độ dân cư còn thưa thớt, đại đa số trong đó là dân tộc thiểu số.
Các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh vùng núi cao thuộc vùng Đông Bắc, có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất và kinh tế chưa phát triển. Tổng diện tích đất tự nhiên của Tỉnh là 4.859 km2. Dân số toàn Tỉnh vào khoảng 313 nghìn người, gồm 07 dân tộc anh em sinh sống (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), đại đa số trong đó là dân tộc thiểu số (80%), mật độ dân cư phân bố tương đối thưa thớt.
Nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế khám chữa bệnh cho người dân trong Tỉnh, cũng như đáp ứng nhiệm vụ của hệ thống y tế dự phòng, ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn được thành lập từ năm 1997 theo Quyết định số 02/QĐ-UB ngày 9/01/1997 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Từ đó đến nay, hệ thống y tế công lập thuộc Sở Y tế Bắc Kạn gồm 23 đơn vị sự nghiệp (tuyến tỉnh có 07 đơn vị, tuyến huyện có 16 đơn vị, bao gồm cả các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), trong đó có các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Thực trạng nguồn thu của các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn
Tổng hợp các nguồn thu: Các đơn vị y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Bắc Kạn duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và một phần nguồn thu từ dịch vụ y tế dự phòng và bảo hiểm y tế.
Nguồn ngân sách nhà nước cấp: Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn dựa trên chỉ tiêu về biên chế và định mức chi thường xuyên.
Việc phân bổ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị thuộc Sở Y tế Bắc Kạn được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND Tỉnh về định mức phân bổ ngân sách nhà nước thời kỳ ổn định 5 năm, sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Tài chính. Hàng năm, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn phân bổ ngân sách cho các đơn vị y tế dự phòng căn cứ vào số biên chế được giao, biên chế có mặt, định mức chi thường xuyên, các nhiệm vụ của hệ thống y tế dự phòng. Nghiên cứu tình trạng phân bổ ngân sách cho các đơn vị y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn 2016 - 2017, định mức chi cho hệ thống y tế dự phòng Tỉnh năm 2016 được thực hiện theo Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày 19/11/2010 của HĐN tỉnh Bắc Kạn về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách mới bắt đầu từ năm 2011 của Tỉnh, cụ thể là giao 54 triệu đồng/biên chế/năm (mức lương cơ sở tính tại thời điểm đó là 730.000 đồng). Đến năm 2017, định mức chi cho hệ thống y tế dự phòng của Tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 6/11/2016 của HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách mới bắt đầu từ năm 2017 của tỉnh Bắc Kạn, theo đó ngân sách nhà nước đảm bảo đủ lương và các khoản phụ cấp theo lương, đồng thời đảm bảo 19 triệu đồng/biên chế/năm đối với chi thường xuyên. Căn cứ vào mức thu của đơn vị mà mức chi hoạt động, Sở Y tế Tỉnh xây dựng phương án tự chủ tài chính, sau khi có ý kiến của Sở Tài chính, trình UBND Tỉnh phê duyệt. Khảo sát cho thấy, hiện nay ngân sách nhà nước cấp cho hệ y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn được phân bổ theo 2 loại: Ngân sách nhà nước chi thường xuyên được tính trên quyết định giao tự chủ và kinh phí do điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu theo quy định; Ngân sách nhà nước chi không thường xuyên bao gồm chi các nhiệm vụ của hệ y tế dự phòng, chi chương trình mục tiêu y tế, dân số…
Nhìn chung, do tính chất đặc thù, nên hầu hết các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn đều phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Đối với chi thường xuyên, ngân sách nhà nước tỉnh Bắc Kạn dành khoảng trên 100 tỷ đồng/năm, để đảm bảo chi lương, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp có tính chất lượng, cụ thể:
- Về quy mô: Nguồn ngân sách cấp cho hoạt động y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2016-2018, cụ thể là tăng từ 97,9 tỷ đồng năm 2016 lên mức 105,5 tỷ đồng năm 2018. Tốc độ tăng trưởng do ngân sách nhà nước cấp khoảng 4%, trong đó chủ yếu là chi lương, các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác để phục vụ bộ máy. Mức ngân sách nhà nước cấp tăng do chính sách điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức từ mức 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Riêng đối với năm 2018, ngân sách nhà nước chưa cấp bổ sung kinh phí điều chỉnh tăng lương 90.000 đồng/tháng theo quy định do mức lương cơ sở tăng lên 1.390.000đồng/tháng.
- Đối với chi không thường xuyên: Mỗi năm ngân sách nhà nước dành khoảng hơn 3.400 triệu đồng cho khối y tế dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ được giao ngoài định mức chi thường xuyên được phân bổ, bao gồm cả các hoạt động phải đối ứng kinh phí địa phương theo quy định của các Dự án được tài trợ viện trợ. Năm 2018, ngân sách tỉnh Bắc Kạn phải cân đối bố trí thêm kinh phí để triển khai các hoạt động bệnh viện vệ tinh và duy trì các chỉ tiêu giám sát của Liên minh châu Âu; ngân sách nhà nước trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, nên kinh phí không thường xuyên đã tăng lên so với 2 năm trước. Nhìn chung, ngân sách nhà nước bố trí cho hệ thống y tế dự phòng của tỉnh Bắc Kạn trong 3 năm (2016-2018) tương đối đủ để duy trì hoạt động của bộ máy, có tác động tích cực đối với công tác phòng chống dịch, phòng ngừa các yếu tố lây nhiễm và không lây nhiễm.
Nguồn thu dịch vụ: Đối với hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn, nguồn thu dịch vụ chủ yếu là dịch vụ tiêm phòng; dịch vụ điều trị cai nghiện bằng methadone; dịch vụ phòng khám; thu từ bao hiểm y tế, thu từ các dịch vụ khác như phun diệt trừ muỗi, xét nghiệm mẫu… Tuy nhiên, nguồn thu này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thu của cả hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn. Các nguồn thu từ dịch vụ chỉ mang tính chất hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, chứ không phải là nguồn thu chính của đơn vị.
Đối với nguồn thu từ bảo hiểm y tế: Năm 2016, trong tổng nguồn thu từ dịch vụ của hệ y tế dự phòng, phần lớn là từ quyết toán bảo hiểm y tế chi phí mổ mắt, dịch vụ này do Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Bắc Kạn thực hiện. Trước đây, Trung tâm này có chức năng là khám và điều trị các bệnh về mắt, nhưng sau khi sát nhập với 04 đơn vị khác đổi chức năng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn.
Với bộ máy quá lớn, trong khi Bảo hiểm Xã hội chỉ chấp nhận quyết toán chi phí mổ mắt theo phân loại là bệnh viện hạng 4 (do đơn vị không được giao giường bệnh kế hoạch), cho nên phần thu từ bảo hiểm y tế không đủ để bù đắp chi phí cho 01 ca mổ, vì vậy, từ cuối năm 2017, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã không thực hiện phẫu thuật mổ mắt, chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tuyến Tỉnh.
Giải pháp phát triển dịch vụ, tăng thu cho hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn
Tăng cường xã hội hóa dịch vụ y tế dự phòng, đảm bảo lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, thời gian tới, hệ thống y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:
- Thực hiện tốt công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục sức khỏe, chú trọng cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, bảo vệ sức khỏe, phòng chống các nguy cơ lây nhiễm.
- Sắp xếp bố trí nhân lực tại các trạm y tế để triển khai các dịch vụ đặc biệt là tiêm phòng tại cơ sở nhằm đảm bảo nhu cầu được sử dụng dịch vụ của người dân.
- Thường xuyên quán triệt tinh thần đội ngũ nhân viên y tế trong hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
- Khuyến khích phát triển dịch vụ y tế theo hướng xã hội hóa y tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị y tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 23/11/2009;
2. Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 25/6/2015;
3. Luật Kế toán số 88/2015/QH13, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 20/11/2015;
4. Mai Đình Đức (2011), Giáo trình Kinh tế y tế, NXB Y học, Hà Nội;
5. Hoàng Thị Kiều (2017), Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, Trường Đại học Mỏ, địa chất.