Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo văn bằng hai
Trong bối cảnh hướng tới xây dựng một xã hội học tập, loại hình đào tạo văn bằng hai là hình thức đào tạo phù hợp mang cơ hội học tập đến cho mọi người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến hình thức đào tạo này đang có nguy cơ bị biến tướng dẫn đến suy giảm về chất lượng đào tạo. Vậy làm thế nào để phát huy hiệu quả và khắc phục những bất cập của hình thức đào tạo này là vấn đề các nhà quản lý và đông đảo bạn đọc quan tâm.
Bài 1: Vàng thau lẫn lộn
Nếu lên Google và tìm từ khóa “Học văn bằng 2”, chỉ trong 0,48 giây sẽ có hơn 280 triệu kết quả trả về. Một con số quá lớn để người học tha hồ lựa chọn và tìm hiểu. Điều đó cũng phần nào phản ánh cung và cầu hiện nay của xã hội về học tập, nâng cao trình độ.
Góp phần xây dựng xã hội học tập
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, các hình thức đào tạo kiểu vừa học vừa làm, văn bằng 2, liên thông trong hơn nửa thập niên qua đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong xã hội. Loại hình này cũng đã mở rộng cơ hội học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho rất nhiều người vì điều kiện và hoàn cảnh gia đình, công việc buộc phải gián đoạn việc học.
Mới đây, câu chuyện về thí sinh Đào Thị Thư, 63 tuổi ở TP Hồ Chí Minh trúng tuyển vào ngành piano bậc đại học (ĐH) chính quy Trường ĐH Văn Hiến đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Trước đó, năm 2016, bà Thư cũng tốt nghiệp ĐH ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Hà Nội, khi đã 60 tuổi. Điều đó càng khẳng định nhu cầu học tập suốt đời của mọi người là rất chính đáng, trong đó có nhu cầu học ĐH.
Hay như trường hợp ông Đoàn Minh Tuấn, 68 tuổi, quê Cà Mau nhận bằng ĐH thứ 8 hệ đào tạo từ xa của Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh. Sự kiện đã trở thành đề tài sôi nổi trên các mặt báo và mạng xã hội về tinh thần học tập. Việc học của ông Tuấn không chỉ để thỏa mãn đam mê, làm giàu tri thức bản thân, mà còn muốn là tấm gương về học tập để con cháu noi theo.
Trên thực tế, ngoài những tấm gương học tập nêu trên, còn có rất nhiều người có bằng ĐH rồi nhưng vẫn có nhu cầu học tiếp. Do đó, không thể phủ nhận việc đào tạo văn bằng hai đã giúp cho nhiều người có cơ hội việc làm và thành công trong công việc.
"Mảnh đất" màu mỡ
Tuy nhiên, bên cạnh việc học vì nhu cầu tự thân, với nhiều người việc có một tấm bằng đại học không phải để bổ sung thêm kiến thức mà chỉ để “làm đẹp” hồ sơ để giữ việc, xin việc, trong thăng quan tiến chức. Bởi thế, “mảnh đất” đào tạo văn bằng hai đang bị lợi dụng triệt để.
Giờ đây, việc lựa chọn được một nơi để theo học văn bằng hai không khó. Nhiều nơi thí sinh chỉ cần nộp hồ sơ, lệ phí sẽ được trường “tạo điều kiện” hết mức khi thi tuyển sinh đầu vào. Vì vậy thí sinh "muốn trượt" cũng khó!
Gần đây, sự việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng hai bị phát giác, nhiều người mới ngã ngửa bởi tấm bằng ngoại ngữ phục vụ cho kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Nội vụ… đã được Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô cùng một số cán bộ trong trường cấu kết “phù phép” thành bằng ĐH thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho các học viên.
Để thu hút học viên, Trường ĐH Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích của việc học văn bằng đại học thứ hai ngành ngôn ngữ Anh tại trường, như: Được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính… theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trên thực tế, không chỉ Trường ĐH Đông Đô mà không ít các trường ĐH khác cũng “có gan” qua mặt Bộ GD-ĐT để đào tạo văn bằng hai không phép. Theo kết quả của thanh tra Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Chu Văn An cũng có hành vi vi phạm tương tự trong như Trường ĐH Đông Đô. Hay Trường ĐH Thành Đô với kết quả kiểm tra đột xuất đào tạo văn bằng hai hồi tháng 5-2019, cũng cho thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực.
Dù rằng tấm bằng đại học không phải bao giờ cũng là thước đo về trình độ, năng lực và phẩm chất của một con người. Nhất là hiện nay, nhiều đơn vị tuyển dụng chỉ coi trọng khả năng làm việc thực tế của ứng viên cho vị trí công việc được tuyển lựa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đại đa số các cơ quan hiện nay vẫn xem bằng cấp là yếu tố quan trọng trong việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm cán bộ. Do đó, hiện tượng người học chỉ vì tấm bằng để tiến thân mà xem thường chất lượng đào tạo đang diễn ra khá phổ biến, điều này chi phối đến chất lượng đào tạo văn bằng hai...
Bài, ảnh: KHÁNH HÀ - HOÀNG LAN
(Còn nữa)