Thực trạng và giải pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội
Theo đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh xảy ra 2.127 vụ phạm tội xâm phạm trật tự xã hội, trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỷ lệ 9,73%, làm chết 72 người, bị thương 558 người, thiệt hại tài sản gần 40 tỉ đồng. Mặc dù số vụ giảm gần 19% so với nhiệm kỳ trước, nhưng tình hình tội phạm diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, tính chất, mức độ và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, manh động hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, hình thành các nhóm, đường dây có kết cấu chặt chẽ, liên kết với nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh, trong đó, nhóm tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm là trộm cắp tài sản (47,1%), cố ý gây thương tích (19,2%), cướp và cướp giật tài sản (7,6%)... Lực lượng công an toàn tỉnh đã tập trung điều tra làm rõ 1.730 vụ, đạt tỷ lệ 81,29%, trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,33%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Công an tỉnh tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa người đang chấp hành án phạt tù và người hoàn lương tiến bộ. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Phát hiện, xử lý 290 vụ, 548 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 93,69g hêrôin, 1.567,46g ma túy đá... tăng 55,08% về số vụ, 111,58% về số đối tượng, tăng hàng chục lần về số lượng ma túy bị thu giữ so với nhiệm kỳ trước và xu hướng càng về sau xảy ra càng nhiều hơn về số vụ, số đối tượng và số ma túy bị thu giữ, thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng công an.
Tội phạm “tín dụng đen” xuất hiện vào khoảng cuối năm 2018 và đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này và đã phát hiện, xử lý 17 vụ 27 đối tượng (khởi tố 6 vụ 8 đối tượng, xử lý hành chính 11 vụ 19 đối tượng). Sóc Trăng là một trong số ít địa phương đã đấu tranh mạnh và điều tra, truy tố, xét xử được tội phạm “tín dụng đen” trong điều kiện các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập.
Về tệ nạn xã hội, nổi lên là tệ nạn ma túy, toàn tỉnh hiện có 105/109 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy và 2.349 người liên quan ma túy (943 người nghiện, 1.406 người sử dụng không thường xuyên), có thể nói ma túy là “tệ nạn nguồn” của các loại tệ nạn khác, có xu hướng trẻ hóa và đã len lỏi vào vùng sâu, xâm nhập vào nhiều giai tầng xã hội, kể cả nhóm được xem có sức đề kháng tốt nhất với ma túy.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Bên cạnh tệ nạn ma túy, tệ nạn cờ bạc, số đề, đá gà... cũng xảy ra ở nhiều nơi, diễn biến tương đối phức tạp. Trong 5 năm qua, Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo xác lập, triệt phá gần 2.600 điểm cờ bạc với gần 15.000 đối tượng tham gia, đã khởi tố hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc; xử lý hành chính trên 10.500 trường hợp, thu nộp ngân sách gần 20 tỉ đồng. Đáng chú ý là tệ nạn cờ bạc trá hình dưới hình thức “game bắn cá” phát triển mạnh giai đoạn đầu nhiệm kỳ (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thời điểm tháng 7-2016 toàn tỉnh có đến 259 điểm kinh doanh với 380 máy game bắn cá, phân bổ ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố). Đây là hình thức cờ bạc mới, lạ nên thu hút rất nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội tham gia, gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh trật tự. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành kiểm tra, xử lý triệt để, quyết liệt nên đến nay đã giải quyết cơ bản tệ nạn nguy hiểm này.
Đại tá Phan Văn Ứng cho biết, nguyên nhân cơ bản là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế đã làm suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là số thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, coi thường pháp luật, điều kiện tiếp cận các loại hình giải trí có tính chất bạo lực, đồi trụy ngày càng thuận lợi hơn; xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều bất cập; cấp ủy, chính quyền một số nơi ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân và dự báo những nguy cơ, thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thời gian tới, Công an tỉnh xác định sẽ chủ động nắm chắc tình hình, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, đánh giá đúng tình hình, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung rà soát, quản lý chặt địa bàn, đối tượng trọng điểm; xác lập và đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, bài trừ các loại tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội ổn định, an ninh, an toàn, lành mạnh, người dân được sống trong môi trường, xã hội bình yên.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia. Tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới về “Giữ vững an ninh trật tự xã hội và đảm bảo bình yên”. Đặc biệt là lực lượng công an tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, phòng ngừa có hiệu quả vi phạm pháp luật và tội phạm. Quản lý chặt và có giải pháp làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy, là loại “tội phạm nguồn” của các loại tội phạm, “tệ nạn nguồn” của các loại tệ nạn.