Thuê giám đốc 'cao thủ' để hợp tác xã phát triển đột phá

Nên xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã thuê hẳn giám đốc thuộc diện 'cao thủ', có khả năng điều hành toàn bộ hoạt động của hợp tác xã.

Thiếu giám đốc “cao thủ” là thực trạng chung của rất nhiều hợp tác xã hiện nay.

Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện này, ông Ngô Sỹ Đạt, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, cho hay: “Một số tỉnh, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã cử cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm lãnh đạo hợp tác xã, nhưng chỉ ở vị trí phó giám đốc. Khoảng 2-3 năm, hết thời hạn làm nhiệm vụ, họ lại rời đi. Cách làm này không hiệu quả".

Cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã thuê người quản lý. Ảnh: Bình Minh

Cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã thuê người quản lý. Ảnh: Bình Minh

Theo ông Đạt, nên xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã thuê hẳn giám đốc thuộc diện “cao thủ”, có khả năng điều hành toàn bộ hoạt động của hợp tác xã. Làm được việc này sẽ tạo đột phá phát triển cho hợp tác xã.

Bên cạnh tâm huyết, lãnh đạo hợp tác xã ngày nay phải thực sự có tầm.

“Hợp tác xã hướng tới xuất khẩu nông sản Việt ra thế giới thì giám đốc phải giỏi ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm chuyên ngành và đa dạng kỹ năng mềm khác như thuyết trình, thương thảo hợp đồng... Với những hợp tác xã đã có doanh thu xuất khẩu thì chi phí thuê giám đốc và các cán bộ kỹ thuật 'cao thủ' không phải là vấn đề quá lớn”, ông Đạt nói.

Kết quả khảo sát năm 2023 của Viện Khoa học công nghệ và môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (với 200 hợp tác xã được lựa chọn ngẫu nhiên từ 30 tỉnh, thành phố trên 8 vùng kinh tế) cho thấy, về trình độ học vấn, chỉ có 13% hợp tác xã có giám đốc được đào tạo trình độ đại học trở lên, 34% trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, còn lại 53% giám đốc hợp tác xã chưa được đào tạo (trình độ lớp 12 hoặc thấp hơn).

Tại diễn đàn Hợp tác xã quốc gia hồi trung tuần tháng 4/2024, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cũng từng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã thuê người quản lý và cán bộ kinh doanh.

Cách làm này đã được áp dụng khá hiệu quả tại một số đơn vị như: Hợp tác xã Thanh long Bình Thuận; Hợp tác xã Nho Evegreen Ninh Thuận; Hợp tác xã Bò sữa Đơn Dương; Hợp tác xã Bò sữa Evergrow Sóc Trăng; Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre,...

Nhưng thực tế cho tới nay, có vẻ như các hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh... vẫn chưa thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

Tại một sự kiện về liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp vừa diễn ra cuối tháng 8/2024, bà Đặng Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, phản ánh thực trạng:

“Khi đi khảo sát hỗ trợ hợp tác xã thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, chúng tôi thấy rất khó khăn trong việc chọn lựa vì năng lực quản lý của người đứng đầu hợp tác xã cũng như bộ máy quản lý của hợp tác xã không đáp ứng yêu cầu. Vẫn có những giám đốc hợp tác xã chưa thông qua lớp đào tạo ngắn hạn nào về quản trị. Nếu không có lãnh đạo đủ tầm quản trị thì hợp tác xã sẽ rất khó hoạt động hiệu quả”,

Theo số liệu thống kê mới đây của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 31.764 hợp tác xã, gồm 20.960 hợp tác xã nông nghiệp và 10.804 hợp tác xã phi nông nghiệp.

Với hợp tác xã nông nghiệp, doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/năm/hợp tác xã; lãi bình quân 400 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên đạt 52 triệu đồng/năm.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thue-giam-doc-cao-thu-de-hop-tac-xa-phat-trien-dot-pha-2317494.html