Thuế không phải là công cụ vạn năng

Trước đề xuất đánh thuế giao dịch vàng để quản lý hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, thuế chỉ là một trong những công cụ chứ không phải là công cụ vạn năng. Thay vào đó, cần tìm giải pháp để giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng; quản lý để bảo đảm công bằng, tránh tình trạng cửa hàng bán ra 100 cây vàng nhưng khai báo chỉ 20 - 30 cây…

Nhiều hệ lụy nếu xảy ra “vàng hóa”

Tại Tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức sáng 8.7, ông Phạm Xuân Hòe,Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tình trạng “vàng hóa” xảy ra khi người dân không tin vào đồng tiền nội địa mà dùng vàng để trao đổi; ngân hàng được phép huy động vàng để cho vay vàng trên bảng cân đối. Điều này từng xảy ra ở nước ta vào năm 2011.

Theo ông Hòe, “vàng hóa” nền kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có hai hệ lụy chính. Một là “chảy máu ngoại tệ” nhập lậu vàng qua biên giới; hai là điều hành tỷ giá vô cùng khó khăn, bởi khi đó dùng ngoại tệ nhập khẩu vàng làm cho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước giảm đi, tác động tới toàn bộ nền kinh tế vĩ mô.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh bổ sung, “vàng hóa” gây ra tác hại rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, chính phủ các quốc gia đều muốn loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông, bởi nếu người dân cứ giữ vàng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đồng nội tệ.

Ông Huân dẫn kinh nghiệm tại Anh, có giai đoạn người dân nắm vàng quá nhiều, Chính phủ nước này đã yêu cầu kiểm soát vàng, một người dân chỉ được sở hữu một lượng vàng nhất định. Hay tại Mỹ, trong giai đoạn 1933 - 1971, cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất 99,99%, chỉ cho phép sử dụng vàng trang sức, đồng thời quy định rõ tỷ lệ vàng trang sức. Thông thường, các nước quy định tỷ lệ vàng trang sức khoảng 60 - 70%, tùy quốc gia.

Cũng theo ông Huân, một số quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, người dân có thói quen tích trữ vàng, song ở những thời điểm căng thẳng về kinh tế, Chính phủ nước này cũng quản lý thị trường vàng, kiểm soát việc người dân được sở hữu vàng nguyên chất.

Có nên đánh thuế giao dịch vàng?

Trên thực tế, thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp để chống “vàng hóa” nền kinh tế; giai đoạn đầu là đấu thầu vàng, giai đoạn tiếp theo là bán vàng can thiệp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Về dài hạn, nhiều đề xuất quản lý thị trường vàng đã được đưa ra, trong đó có đánh thuế giao dịch mua bán vàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, điều này cần hết sức cân nhắc.

Nhấn mạnh hiện chúng ta không có sản phẩm vàng do mình tự làm ra, ông Phụng cho rằng, không thể đánh thuế 10% trên tổng giá trị vàng được. Thêm vào đó, hiện quy định về thuế đối với vàng đã tương đối đầy đủ, chỉ cần quản lý để bảo đảm công bằng, để không thất thu, tránh việc cửa hàng vàng bán ra 100 cây nhưng khai báo chỉ 20 - 30 cây. “Mục đích chống vàng hóa nền kinh tế rất tốt nhưng nếu có thêm chính sách thuế nữa thì cần đưa ra để người dân bàn luận; việc đánh thuế phải có cơ sở kinh tế”, ông Phụng nói.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy thuế chỉ là một trong những công cụ để quản lý thị trường vàng chứ không phải là công cụ vạn năng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, nói. Theo ông, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước. Cùng với đó, cần sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó xem xét việc có nên làm sàn vàng vật chất để điều tiết, quản lý thị trường.

Ông Phạm Xuân Hòe bổ sung, để quản lý thị trường vàng, đầu tiên phải xóa bỏ độc quyền vàng SJC của Nhà nước; thực hiện mua bán vàng phải công khai, minh bạch, có hóa đơn đầy đủ, không giao dịch mua bán bằng tiền mặt. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tránh tình trạng khi thị trường vàng trong nước bùng lên thì tình trạng buôn lậu xảy ra. Nhà nước cũng cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để người dân có tiền sẵn sàng bỏ ra đầu tư cho sản xuất - kinh doanh thay vì “ôm” vàng. Đồng thời, cần thúc đẩy các thị trường chứng khoán, bất động sản… phát triển, ổn định đồng tiền nội địa sẽ khuyến khích người dân chuyển sang đầu tư vào các thị trường đó.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đề xuất, cần nghiên cứu thí điểm tín chỉ vàng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở thời điểm nhất định, khi đồng nội tệ bị mất giá, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ cấm sở hữu vàng vật chất mà chuyển sang bán tín chỉ vàng (ETF) cho người dân. Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ lượng vàng vì nó là dự trữ ngoại hối khá quan trọng. Người dân có thể mua bán tín chỉ vàng, thậm chí có thể mang đến ngân hàng để đổi lấy tiền và giá vàng do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Việc phát hành tín chỉ vàng sẽ giúp giảm tính hấp dẫn của thị trường vàng, vì người dân cầm tờ giấy sẽ khác với cầm vàng vật chất.

Mặt khác, cần quy định tỷ lệ vàng trang sức với hàm lượng vàng dưới 75% hoặc dưới 61%, khi đó, tính hấp dẫn của vàng sẽ không còn nhiều. Tóm lại, cần có các biện pháp để hạn chế tâm lý của người dân khi sở hữu vàng vật chất, hướng người dân sang các thị trường khác để hỗ trợ phát triển kinh tế tốt hơn, ông Huân kiến nghị.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thue-khong-phai-la-cong-cu-van-nang-i379457/