Thuê ngoại binh, vẫn phải tranh chung kết ngược
Mùa bóng chỉ gói gọn trong một giai đoạn, đồng thời tăng gấp đôi số đội rớt hạng nên Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 nóng lên ngay từ vòng đấu bảng với sự có mặt của dàn ngoại binh đẳng cấp
Điểm nhấn lớn nhất của mùa giải bóng chuyền năm nay chính là sự xuất hiện trở lại của các VĐV nước ngoài sau gần một thập niên vắng bóng. Ngân sách có phần dư dả sau 2 năm không tốn kém tiêu pha trong bối cảnh dịch Covid-19 và nhiều đội bóng đã mạnh tay chiêu mộ những ngoại binh có trong tay bản sơ yếu lý lịch cực "khủng".
Không thể khác được khi nhiệm vụ quan trọng của mọi đội bóng là tránh suất rớt hạng đồng thời tận dụng tốt nhất cơ hội để tranh chấp các thứ hạng cao. Trong tổng số 17 ngoại binh được đăng ký thi đấu, người nhận lương cao nhất có lẽ không ai khác hơn Moma Bassoko, ngôi sao quốc tịch Cameroon từng 3 lần vô địch châu Phi mà Hóa chất Đức Giang được cho là bỏ ra xấp xỉ 20.000 USD để đổi lấy một tháng thi đấu của cô.
"Đắt xắt ra miếng", VĐV 29 tuổi này chính là nhân vật nổi bật nhất không chỉ trong màu áo đội bóng nữ thủ đô mà còn của cả giải đấu tính đến thời điểm này. Moma Bassoko không chỉ mang đến những pha tấn công sấm sét tầm cao mà còn cả những cú đánh đầy sức mạnh tầm xa trên vạch 3 m lẫn những pha cứu thua đẳng cấp. Gần như một mình cô khuất phục dàn chắn của VTV Bình Điền Long An và làm được điều tương tự trước chủ nhà Ninh Bình Doveco lẫn Geleximco Thái Bình - những đối thủ tranh chấp quyết liệt ngôi đầu bảng A với Hóa chất Đức Giang.
Cùng với Moma Bassoko, những Polina Rahimova, Maria Jose Perez, Megawati Pertiwi… cũng đang làm mưa làm gió ở Geleximco Thái Bình, Than Quảng Ninh hay Hà Phú Thanh Hóa, giúp các đội bóng này sớm giành vé vào tứ kết giải nữ. Tất nhiên, ngoại binh không phải là thứ vũ khí duy nhất bởi cho đến thời điểm này, 2 ứng viên vô địch sáng giá BTL Thông tin và VTV Bình Điền Long An hoàn toàn chỉ sử dụng nội binh và vẫn đang từng bước chinh phục mọi trận đấu.
Câu chuyện tương tự cũng được thấy ở giải nam khi 2 ứng viên Tràng An Ninh Bình và Sanest Khánh Hòa đều khẳng định được sức mạnh khi tầm ảnh hưởng của ngoại binh hầu như không có hoặc có rất ít. Trong khi đó, 2 trong số 3 đội bóng miền Tây phải đi tranh "chung kết ngược" lần này là Lavie Long An, Xổ số Kiến thiết Vĩnh Long và Bến Tre thì chỉ có đội bóng xứ dừa không thuê ngoại binh vì khó khăn tài chính.
Một thời được xem là "hiện tượng" của bóng chuyền nữ với 2 mùa giải gần nhất đều vào đến bán kết, Kinh Bắc Bắc Ninh năm nay ngậm ngùi đi tranh suất trụ hạng dù vung tiền chiêu mộ đến 2 ngoại binh Thái Lan. Tuy khó có thể rớt hạng khi đối thủ tiếp theo của họ chỉ là tân binh Bamboo Vĩnh Phúc hay Đắk Lắk nhưng rõ ràng đây là bài học lớn cho đội bóng vùng quan họ khi làm bóng chuyền chuyên nghiệp mà thiếu hẳn mảng đào tạo, chỉ chăm chăm đi tuyển mộ nội binh từ khắp nơi theo kiểu "xây nhà từ nóc".
Công tác trọng tài còn nhiều bất cập trong thời gian qua, hy vọng sẽ sớm được khắc phục một khi hệ thống Video Challenge (tương tự VAR của bóng đá) chính thức được vận hành kể từ vòng tứ kết. Các trận đấu nảy lửa ở cả 2 vòng chung kết xuôi, ngược sắp tới được trông chờ sẽ công bằng hơn, trung thực hơn thay vì xử lý theo cảm tính của lực lượng trọng tài mà nhiều người đã phải tự nhận sai sót khi điều hành giải từ đầu.