Thuê người đứng tên cổ phần, Nguyễn Đại Dương và bố vợ chuyển đất 'vàng' vào tay mình

Dương khai, chỉ giới thiệu Hùng đến gặp bố vợ mình chứ không tham gia thành lập Công ty Âu Lạc, cũng không tham gia soạn thảo các hợp đồng kinh tế. Nhưng Hùng lại khẳng định, Dương đã giới thiệu anh ta gặp gỡ bố vợ Dương và nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh để hợp tác làm ăn.

Sáng 17/8, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu) tiếp tục.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa tham gia xét hỏi bị cáo Nguyễn Đại Dương (SN 1965, là người thành lập và điều hành Công ty Âu Lạc, nhưng không đứng tên). Bị cáo Dương là con rể của bị cáo Nguyễn Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương).

Bị cáo Dương bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát về mục đích thành lập Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương phủ nhận việc nhờ người đứng tên hộ 45% cổ phần khi thành lập Công ty Âu Lạc.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Được triệu tập với tư cách nhân chứng, ông Dương Đình Tâm (người nắm giữ 45% vốn điều lệ tại Công ty Âu Lạc) cho biết, ông chỉ là người đứng tên trên giấy tờ, còn thực tế không hề góp tiền vào công ty.

Theo lời khai của ông Tâm, ông không quen biết bị cáo Dương nhưng một người bạn nhờ đứng tên mảnh đất ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu và đưa số điện thoại của bị cáo Dương để liên lạc.

“Năm 2010, khi vào TP Hồ Chí Minh, tôi được Dương nhờ ký một số giấy tờ, nhưng không đọc. Dương đưa giấy tờ gì và bảo ký thì tôi ký”, ông Tâm khai. Năm 2015, ông Tâm gặp Dương và trả lại các giấy tờ Dương nhờ ký. Dương nhận lại rồi viết một tờ giấy xác nhận. Nội dung xác nhận thể hiện, ông Tâm chỉ là người đứng tên 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc giúp cho Dương.

“Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào Công ty Âu Lạc. Lúc đó tôi chỉ bán thịt heo”, ông Tâm khẳng định.

Trả lời HĐXX về thời điểm thành lập Công ty Âu Lạc (năm 2010), bị cáo Dương có gửi tiền cho không, ông Tâm cho biết, Dương không gửi khoản tiền nào. Đến năm 2015, khi ông Tâm trả lại các giấy tờ, Dương thấy vợ ông than vất vả thì Dương mới cho vay 5 tỷ đồng. Nhưng thực tế Dương mới chuyển cho 4,5 tỷ đồng. Và đến nay, do làm ăn không gặp nên ông chưa trả được tiền cho Dương.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Trong vụ án này, bị cáo Dương xuất phát từ mối quan hệ thân thích, gia đình (bố vợ, con rể) nên được bị cáo Nguyễn Văn Minh cho biết, Tổng Công ty Bình Dương sẽ triển khai thực hiện dự án trên khu đất 43ha ở thành phố Thủ Dầu Một.

Bị cáo Dương thống nhất cùng bố vợ thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.

Do đó, bị cáo Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nắm quyền chỉ đạo, điều hành và giao cho bạn kinh doanh là bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Âu Lạc.

Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương đã chỉ đạo bị cáo Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty Bình Dương do bị cáo Nguyễn Văn Minh làm đại diện, đồng thời thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất “vàng” 43ha của Tổng Công ty Bình Dương chỉ với giá 570.000 đồng/m2.

Sau khi nhận tiền từ việc chuyển nhượng Công ty Tân Phú từ các công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh (người liên quan đến vụ án, vắng mặt tại phiên tòa này), bị cáo Hùng đã ký các lệnh chuyển tiền theo chỉ đạo của bị cáo Dương.

Việc bị cáo Nguyễn Quốc Hùng ký các hợp đồng trên được cho là đã giúp cho bị cáo Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đại Dương thực hiện được thỏa thuận chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú là tài sản Nhà nước sang tư nhân.

Đại diện Viện kiểm sát “truy” về vấn đề này, bị cáo Dương cho rằng, bị cáo chỉ giới thiệu bị cáo Hùng đến gặp ông Nguyễn Văn Minh (bố vợ Dương), chứ không tham gia thành lập Công ty Âu Lạc và không tham gia soạn thảo các hợp đồng.

Tuy nhiên, trả lời HĐXX, bị cáo Hùng khẳng định: “Bị cáo Dương đã giới thiệu bị cáo gặp gỡ bố vợ Dương và bà Đặng Thị Kim Oanh để hợp tác làm ăn”.

Lần đầu đến gặp ông Nguyễn Văn Minh, bị cáo được Dương dẫn lên phòng giới thiệu. Sau khi ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo báo lại cho Dương biết. Từ đó, công việc hợp tác có vướng mắc gì, bị cáo đều báo cho lại cho Dương.

Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc, ngày 8/12/2016, bị cáo Nguyễn Văn Minh, đại diện Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng. Mặc dù theo Công văn số 407 của Tỉnh ủy Bình Dương thì Tổng Công ty Bình Dương phải bàn giao khu đất 43ha về Công ty Impco.

Khi Tổng Công ty Bình Dương chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, cũng chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc thì bị cáo Dương đã trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với đối tác về việc Công ty Tân Phú đã nhận chuyển nhượng khu đất 43ha từ Tổng Công ty Bình Dương.

Tiếp đó, Công ty Âu Lạc sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú của Tổng Công ty Bình Dương để sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú, và chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tân Phú (chủ đầu tư dự án Khu dân cư, thương mại, dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha) cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh (trú tại TP Hồ Chí Minh) số tiền 350 tỷ đồng.

Chuỗi hành vi phạm tội của bị cáo Dương được cơ quan công tố xác định giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Dương cũng liên đới cùng với bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 964 tỷ đồng.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/thue-nguoi-dung-ten-co-phan-nguyen-dai-duong-va-bo-vo-chuyen-dat-vang-vao-tay-minh-i664362/