Thuê người Việt làm chủ app vay tiền - thủ đoạn tinh vi của tội phạm nước ngoài
Tình trạng người nước ngoài thuê trong nước đứng tên các doanh nghiệp hoạt động cho vay qua app đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều tra...
Thời gian qua, tội phạm người nước ngoài hoạt động tại nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều đường dây, tổ chức do đối tượng người nước ngoài điều hành hoạt động xuyên quốc gia với các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, nổi lên gần đây là tình trạng người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng ra thành lập công ty và tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.
Mới đây, ngày 24/7, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, công an nhiều tỉnh thành triệt phá đường dây cho vay nặng lãi online lớn nhất từ trước tới nay với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa người Trung Quốc cầm đầu và người Việt Nam giúp sức.
1 triệu người vay với lãi suất 2.346%/năm
Bước đầu xác định, từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều pháp nhân thương mại "ma" để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm. Nhóm đối tượng đã cho trên 1 triệu người trên toàn quốc vay tiền thông qua ứng dụng "Great Vay" trên điện thoại di động (trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ hơn, như: Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong...) và liên kết lưu trữ dữ liệu người vay tại website có địa chỉ https://xxxxxx.com đặt tại sever của Alibaba Cloud Singapore.
Quá trình điều tra ban đầu xác định tổng số tiền các đối tượng cho vay nặng lãi tính đến thời điểm bắt giữ là 20.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỉ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5.000 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 3/2023, công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Maksim Zubkov (41 tuổi, quốc tịch Nga) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đây là đối tượng đứng sau 6 công ty hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất từ 183% đến 2.555%/năm.
Ngoài ra, công an TP.HCM còn khởi tố 22 người là giám đốc, trưởng nhóm, nhân viên… của 6 công ty trên về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trước những vụ án nêu trên, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng trọng án, Cục cảnh sát hình sự bộ công an nhận định, thời gian qua, mặc dù tình hình cho vay lãi nặng theo kiểu truyền thống đã được kiềm chế. Tuy nhiên, vẫn có các đối tượng hoạt động lưu động, hoặc núp bóng các cơ sở kinh doanh nhắm đến một bộ phận thanh thiếu niên, người dân gặp khó khăn ở các vùng nông thôn để mời chào cho vay lãi nặng.
Thuê người Việt đứng tên doanh nghiệp để cho vay nặng lãi
Nhiều chuyên án cho vay lãi nặng được lực lượng công an triệt phá đã cho thấy các đối tượng phạm tội nước ngoài vào Việt Nam để hoạt động cho vay lãi nặng núp bóng công ty luật, công ty tài chính đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi.
“Thường nhóm đối tượng này vào Việt nam sẽ thuê người đứng tên, thành lập các doanh nghiệp, có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Sau đó, sử dụng các ứng dụng và website viết lên các app để cài đặt trên điện thoại di động. Sau đó, tư vấn, hướng dẫn người vay tham gia vào hoạt động tín dụng đen”- Thiếu tá Sơn nói.
Phân tích thủ đoạn của nhóm đối tượng này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, mô hình hoạt động hết sức tinh vi. Khi vào Việt Nam, chúng thuê người Việt thành lập nên nhiều bộ phận riêng lẻ, và hoạt động độc lập với nhau, dưới sự điều hành qua các mạng xã hội của các đối tượng người nước ngoài này.
Cụ thể, chúng thành lập các bộ phận chăm sóc, quản lý khách hàng, giải ngân và liên hệ trung gian thanh toán riêng. Còn dòng tiền được chúng chuyển qua các công ty trung gian thanh toán, cũng như ngân hàng. Sau đó, giải ngân đến người vay cũng như thu hồi tiền về. Đặc biệt, các khoản nợ mà người vay không trả được, đối tượng cầm đầu người nước ngoài sẽ bán thông tin khoản nợ đó cho các công ty núp bóng các doanh nghiệp, hoặc các công ty luật thực hiện việc đòi nợ hết sức tinh vi.
“Dù là hoạt động tín dụng đen truyền thống, hay tín dụng đen trên mạng thì hệ lụy, trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta rất là lớn. Thứ nhất, chúng ta vay thì ít nhưng phải trả cho các đối tượng rất nhiều. Số tiền phải trả có khi gấp rất nhiều lần số tiền chúng ta vay. Ngoài khoản tiền vay phải trả lớn, việc này cũng gây nên những hậu quả về vật chất cũng như tinh thần không chỉ bản thân người vay tiền mà còn là người thân, bạn bè, người cùng cơ quan đơn vị với người vay”- Thiếu tá Sơn nói.
Trước thực trạng này, ngành công an khuyến cáo, các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục phối hợp cơ quan công an tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, sinh viên và quần chúng nhân dân về hệ lụy, tác hại của việc vay tiền với lãi suất cao của các đối tượng ngoài xã hội, vay qua app; các quy định pháp luật về vay tài sản và lãi suất vay và tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Người dân cần báo tin, tố giác trực tiếp đến cơ quan công an hoặc trực tuyến các qua trang mạng xã hội của cơ quan Công an về các trang web, số điện thoại có hành vi quảng cáo cho vay có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; các hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa để đòi nợ... Trường hợp bị các đối tượng khủng bố, vu khống để đòi nợ, nạn nhân nên ghi âm các cuộc điện thoại; lưu giữ hình ảnh, tin nhắn chứa hình và thông tin vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm để làm chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Trong quá trình sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động hoặc giao dịch trên các trang web người dân nên chú ý việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, tránh để các đối tượng thu thập, khai thác sử dụng vào mục đích xấu như đòi nợ, lừa đảo.