Nỗi ám ảnh của ông Trump
Từ gần 40 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng Mỹ phải tăng thuế quan. Dù vậy, những động thái gần đây của Mỹ cho thấy ông cũng sẵn sàng coi đây là con bài đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về thuế quan trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Reuters.
“Tôi rất tin vào thuế quan”, ông Trump nói. “Nước Mỹ đang bị lừa gạt. Chúng ta là một quốc gia mắc nợ, do đó chúng ta phải đánh thuế, chúng ta phải có thuế quan, chúng ta phải bảo vệ đất nước này”.
Đây không phải là tuyên bố mới đây của ông Trump. Thay vào đó, đây là những gì ông nói trên truyền hình từ năm 1989, khi còn là một doanh nhân muốn "lấn sân" sang chính trị.
Theo những người thân cận với ông Trump và các sử gia, sự yêu thích của ông Trump dành cho thuế quan đến từ trải nghiệm của ông với tư cách doanh nhân từ những năm 80 của thế kỷ trước - khi Nhật Bản bị coi là mối đe dọa với vị thế kinh tế của Mỹ.
“Đây là điều đã khiến ông đau đáu kể từ thập niên 1980”, ông Dan DiMicco, người từng tham gia soạn thảo chính sách thương mại của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, cho biết hồi năm 2019. “Điều này đến từ niềm tin sâu trong lòng ông ấy”.
Mối quan tâm hàng thập kỷ
Nếu như năm 1989, Nhật Bản, Tây Đức, Hàn Quốc và Saudi Arabia là các đối tượng bị ông Trump cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng, hơn 20 năm sau, mục tiêu chính của ông đã chuyển sang Trung Quốc.
Cuốn sách “Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” được ông Trump xuất bản năm 2011 dành hẳn một chương mang tên “Đánh thuế Trung Quốc để cứu việc làm Mỹ”, trong đó ông Trump để xuất đánh thuế 25% lên mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh định giá thấp đồng nhân dân tệ.
Không chỉ Trung Quốc, các nền kinh tế khác cũng bị nhắm tới. “Đã đến lúc phải cứng rắn đối với những ai đẩy việc làm ra nước ngoài”, ông Trump viết. “Bất cứ nước nào vận chuyển hàng hóa vào Mỹ đều phải trả 20% thuế. Nếu họ muốn có một miếng bánh trên thị trường Mỹ, họ sẽ phải trả thuế cho Mỹ”.
“Thuế quan gắn chặt với Trump”, bà Jennifer Miller, chuyên gia lịch sử tại Đại học Dartmouth (Mỹ), nói với New York Times hồi năm 2019. “Ông ấy bị ám ảnh với việc giành chiến thắng và nghĩ rằng thuế quan sẽ giúp ông điều này. Ông ấy bị ám ảnh với việc tỏ ra cứng rắn, với quyền lực hành pháp”.

Ông Trump công bố bảng thuế đối ứng dự kiến với các nước hôm 2/4. Ảnh: Reuters.
Ngay trong các cuộc trao đổi với giới nghị sĩ và cố vấn, ông Trump cũng rất thích dùng từ “đánh thuế”, đồng thời bác bỏ những quan ngại rằng biện pháp này sẽ làm tăng giá hàng hóa và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Thuế của tôi đâu? Mang thuế đến cho tôi”, ông nói trong một cuộc họp đầu nhiệm kỳ đầu tiên khi các cố vấn không kịp trình lên các lựa chọn chính sách, theo New York Times.
Bản thân ông Trump cũng thừa nhận mối quan tâm dai dẳng với thuế quan. “Tôi đã nói về điều này suốt 40 năm qua”, ông phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng mới đây.
“Đây là điều bất thường đối với ông Trump. Có một điểm ông giống với các chính trị gia thông thường: Ông không có nhiều niềm tin sâu sắc”, ông Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Chính trị tại Đại học Virginia (Mỹ), nói, chỉ ra thuế quan là ngoại lệ. “Riêng điểm này, ông ấy dường như tin tưởng sâu sắc”.
Ưu tiên đàm phán
Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy dường như ông Trump cũng sẵn sàng “gác thuế quan” để đàm phán.
Hôm 9/4 (giờ Mỹ), trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông chủ Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố sẽ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày đối với các đối tác thương mại, ngoại trừ Trung Quốc.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết trong thời gian này, “các cuộc đàm phán vấn đang diễn ra” với mục tiêu đạt được các thỏa thuận thiết kế riêng với từng đối tác.
Trước đó, sau khi đe dọa áp thuế Canada và Mexico, ông Trump cũng tạm hoãn thực thi để mở ra cơ hội đàm phán lại thỏa thuận thương mại giữa các bên. Hai quốc gia này cũng không bị đánh thuế thêm trong đợt áp thuế mới nhất.
Bản thân ông Trump cũng tỏ ra mâu thuẫn khi phát biểu về mục tiêu của mình. Một mặt, ông tuyên bố với báo giới thuế quan sẽ cho nước Mỹ “sức mạnh đàm phán lớn”, mặt khác ông khẳng định trên mạng xã hội Truth Social rằng chính sách sẽ “không thay đổi”, theo Hill.

Ông Peter Navarro - cố vấn thương mại của ông Trump - được coi là người thực sự tin tưởng vào thuế quan đối ứng. Ảnh: Reuters.
Những diễn biến này đặt ra câu hỏi: Liệu ông Trump có thực sự mong muốn áp thuế quan cao hay chỉ coi đây là con bài để đạt được các mục tiêu về kinh tế lẫn chính trị.
Ngay cả các quan chức Mỹ cũng đưa ra các tuyên bố khác nhau. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent hôm 9/4 ám chỉ thuế quan là “chiến thuật đàm phán”, Cố vấn Thương mại Peter Navarro tỏ ra cứng rắn hơn.
“Đây không phải đàm phán”, ông Navarro viết trên Financial Times hôm 7/4, chỉ hai ngày trước khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng. “Đối với các nhà lãnh đạo thế giới đột nhiên đề xuất mức thuế thấp sau hàng thập kỷ gian lận, hãy nhớ lấy: Đây mới chỉ là khởi đầu”.
Các tín hiệu trái ngược này cho thấy ngay trong chính quyền Trump cũng tồn tại những luồng quan điểm khác biệt về vai trò của thuế quan.
“Tôi nghĩ rằng đối với Trump, đây là (con bài đàm phán). Đối với Navarro, đây là sự thay đổi lớn mang tính tư tưởng. Ông ấy có một tầm nhìn riêng”, một nguồn tin gần gũi với Nhà Trắng nhận định với The Hill. “Còn theo tôi, ông Trump là người thực tế. Ông Trump muốn gửi tín hiệu sốc và đưa mọi người đến bàn đàm phán”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/noi-am-anh-cua-ong-trump-post1544988.html