Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: 'Bào mòn' cuộc sống người dân

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền giảm trừ gia cảnh được áp dụng dựa trên tính toán của cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc tính thuế TNCN lỗi thời đã 'bào mòn' cuộc sống của người lao động, nhất là trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19.

Thu nhập giảm, phải nộp thuế TNCN, nhiều người dân phải chắt bóp chi tiêu Ảnh: Như Ý

Thu nhập giảm, phải nộp thuế TNCN, nhiều người dân phải chắt bóp chi tiêu Ảnh: Như Ý

Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến nền kinh tế đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng, thậm chí tạm dừng hoạt động. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng qua, cả nước có hơn 5 triệu người động bị ảnh hưởng như giảm lương, nghỉ làm không lương, mất việc làm. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ cho lao động có nguồn thu nhập bị suy giảm vẫn chưa được bộ, ngành lên tiếng.

Thu nhập sụt giảm do dịch COVID-19, trong khi chi phí sinh hoạt vẫn đắt đỏ, anh Trần Nguyên (32 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Theo anh Nguyên, con anh mới được 6 tháng, vợ anh trước đó mới đi làm, chưa có hợp đồng. Vợ anh nghỉ việc nên không có thu nhập.

“Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, tôi phải trích ra trả 5,5 triệu đồng tiền gốc lẫn lãi mua nhà trả góp. Chi tiêu cho gia đình khoảng 7 triệu đồng, chi tiêu cá nhân tằn tiện 3-4 triệu đồng, chưa kể lúc con ốm đau, đi viện. Đã thế, với quy định của Luật TNCN hiện hành, mỗi tháng tôi phải nộp thuế TNCN gần 500.000 đồng. Vừa cầm đồng lương là hết sạch”, anh Nguyên cho biết.

Anh Nguyễn Đức Nhân, kỹ sư công nghệ thông tin tại một ngân hàng thương mại ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) có mức lương 25 triệu đồng/tháng. Gia đình anh có 2 con nhỏ, mỗi tháng anh được hưởng số tiền giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho cả 2 con là 7,8 triệu đồng. Như vậy, hằng tháng anh Nhân phải nộp khoảng 800.000 đồng thuế TNCN.

Mong muốn của anh Nhân cũng là mong muốn chung của nhiều lao động trong bối cảnh khó khăn do đại dịch. Tại nhiều gia đình, thu nhập của lao động chính phải gánh cho đại gia đình, nhất là khi thành viên khác rơi cảnh thất nghiệp.

Theo anh Đỗ Quang Trung, kế toán một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), mức đóng của thuế TNCN được tính toán dựa trên mức lương cơ sở vùng (đối với cơ quan nhà nước) năm 2013 là 1.050.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay mức lương này đã tăng lên 1.490.000 đồng/tháng. Đối với DN, mức đóng của thuế TNCN được tính toán dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Năm 2013, mức lương này từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng (tùy theo các vùng cụ thể), đến nay, mức lương này tăng lên 3.070.000- 4.420.000 đồng/tháng.

“Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng tăng sẽ khiến tổng thu nhập của người dân tăng lên so với trước kia. Tuy nhiên, mức thu nhập đóng thuế TNCN vẫn giữ nguyên và khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn. Trong khi đó, lương tăng thêm không đủ bù đắp cho giá tăng”, anh Trung đánh giá.

Nên miễn, giảm thuế TNCN

Tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN, người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đến hết ngày 31/12/2020 đối với các khoản phải nộp của cá nhân làm việc tại DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phát sinh từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, đại diện một số DN đánh giá, việc giãn nộp thuế TNCN chỉ có tác dụng với các DN. Theo quy định hiện nay, hằng tháng, DN “tạm ứng” tiền thuế TNCN của người lao động và nộp về cơ quan thuế theo quý. Như vậy, việc giãn nộp thuế TNCN sẽ giúp DN sử dụng khoản tiền này để quay vòng vốn.

“Ở DN, nhân sự luôn biến động, có thể tháng này người lao động làm việc nhưng tháng sau lại nghỉ. Vì vậy, để tránh việc không thu được thuế TNCN từ người lao động, DN thường ứng tiền thuế này hằng tháng khi trả lương. Như vậy, chính sách giãn thuế TNCN gần như không có tác động”, anh Đỗ Quang Trung cho biết.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đến cuối tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 23,2% nhưng nay đã hết tháng 4 mà mức GTGC vẫn chưa được sửa đổi. Điều này cho thấy sự chậm trễ của cơ quan quản lý. Theo ông Long, trong bối cảnh dịch COVID-19, lẽ ra Nhà nước nên miễn, giảm thuế cho những người làm công ăn lương có thu nhập đang nộp thuế ở ngưỡng chịu thuế đầu tiên để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho họ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, CPI cuối tháng 12/2019 đã tăng 23,2% so với thời điểm Luật thuế TNCN có hiệu lực (ngày 1/7/2013).
“Căn cứ quy định tại khoản 4 điều 1 Luật thuế TNCN, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định. Cụ thể, điều chỉnh nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng”, bà Mai nói.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, một trong những lý do mà Nhà nước chưa bàn đến việc miễn, giảm thuế TNCN là Luật thuế TNCN không thuộc phạm vi của chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2020.

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/thue-thu-nhap-ca-nhan-loi-thoi-bao-mon-cuoc-song-nguoi-dan-1658564.tpo