Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần giải pháp tối ưu hóa lợi ích của Việt Nam
Việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Cần sớm có giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là thông điệp được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo về nội dung này, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay (24/2) tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Tháng 12/2022, Liên minh Châu Âu chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.
Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam. Bởi lẽ, các doanh nghiệp FDI quy mô lớn và được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn so với mức tối thiểu toàn cầu, sẽ phải nộp phần ‘thiếu hụt’ còn lại so với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nêu vấn đề, do Việt Nam chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 như nhiều nước, nhất là các nước đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc, nên có hướng giải quyết chênh lệch giữa thuế đang nộp và phải nộp.
“Chắc chắn phải nộp cho nước đi đầu tư, và theo đó Chính phủ Việt Nam có thái độ như thế nào với khoản chênh lệch này? Trường hợp Việt Nam thực hiện vào năm 2024 thì chênh lệch thuế đó, Chính phủ Việt Nam chia sẻ lợi ích như thế nào với nhà đầu tư?”, GS. TSKH Nguyễn Mại đưa ra vấn đề.
Chuyên gia phân tích, thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam dựa trên ưu đãi về thuế. Nhưng thuế tối thiểu toàn cầu không có nghĩa chỉ có bất lợi đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Quan trọng là sớm đưa ra giải pháp phù hợp để ổn định tâm lý nhà đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và là Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, các nước phải thay đổi cơ chế chính sách, luật liên quan đến thuế, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp. “Nếu chúng ta áp dụng mức chung 15% thì rõ ràng câu chuyện ưu đãi thuế không còn là công cụ nữa. “Chạy đua xuống đáy” đối với chính sách ưu đãi thuế không còn là chính sách tốt. Thay thế phải là môi trường đầu tư, tập trung nhiều vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Lực nói.
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động – bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi. Theo đó, cần sớm xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, cả tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầu đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp. Quan trọng nhất bây giờ là hành động ngay, nhanh chóng, quyết liệt.
Thách thức lớn nhất lúc này là áp lực thời gian. Thực tiễn cho thấy để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức có thể cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật – cần thời gian để làm việc này. Tính đến đầu năm 2024, chúng ta chỉ có khoảng 10 tháng quý giá để hành động, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước vừa đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư. Và trong việc này, Chính phủ không thể làm một mình mà phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia./.
Tại Việt Nam, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Hiện tại, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu, đảm bảo các chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư./.