Thùng rác thông minh 'made by sinh viên'

Câu chuyện bảo vệ môi trường được kể lại bằng ngôn ngữ của công nghệ và văn hóa, như cách mà thầy trò Trường Cao đẳng Huế đang thực hiện với thùng rác thông minh 'made in sinh viên' không chỉ là giải pháp, mà còn là niềm tự hào.

 Thầy và trò cùng kiểm tra, đánh giá sản phẩm "thùng rác thông minh"

Thầy và trò cùng kiểm tra, đánh giá sản phẩm "thùng rác thông minh"

Thùng rác không chỉ để… bỏ rác

Một buổi sáng trong khuôn viên Trường Cao đẳng Huế, không ít sinh viên dừng chân trước một chiếc thùng rác lạ mắt. Đó là “thùng rác thông minh”, sản phẩm của nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Điện – Điện tử. Thùng rác với nắp có mái cong, họa tiết mô phỏng kiến trúc nhà xưa Huế, được tích hợp những tính năng hiện đại, như: mở nắp tự động, phát lời chào, sử dụng năng lượng mặt trời và cảm biến nhận diện người đến gần.

Giảng viên Thân Ngọc Trí, người hướng dẫn trực tiếp nhóm sinh viên thực hiện đề tài, chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn giữ gìn vẻ đẹp văn hóa Huế, đồng thời tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao, nhóm chúng tôi đã chọn kiến trúc nhà xưa làm nguồn cảm hứng chính cho thiết kế”.

Không dừng lại ở hình thức, thùng rác còn sở hữu loạt công nghệ hiện đại. Hệ thống truyền động vít me – thanh trượt giúp vận hành nắp thùng ổn định. Người dùng có thể mở nắp bằng tay trong trường hợp cần thiết, như khi rác bị kẹt hoặc hệ thống điện gặp sự cố. Pin năng lượng mặt trời gắn trên nắp không chỉ cung cấp điện mà còn tích hợp bộ lưu trữ để duy trì hoạt động.

Để “ghi điểm” về sự thân thiện, trong suốt thời gian nắp mở, thiết bị còn phát lời cảm ơn người dùng đã góp phần bảo vệ môi trường bằng giọng nói tự động. “Thùng rác cũng biết... nói chuyện!”, nhiều sinh viên thích thú khi lần đầu trải nghiệm.

Điều đặc biệt của chiếc thùng rác “biết nói” này là nó được tạo ra bởi sinh viên, cùng với sự hướng dẫn của các giảng viên. Nguyễn Văn Ngọc Huỳnh, sinh viên lớp Cơ Điện cho biết: “Chúng em ứng dụng công nghệ cơ điện tử để tích hợp các cảm biến, hệ thống điều khiển và cả pin năng lượng mặt trời. Khi đặt ngoài trời, hệ thống vẫn hoạt động ổn định mà không cần cắm điện”.

Lê Đức Thanh Hoài, sinh viên lớp Điện Công nghiệp chia sẻ thêm: “Em học được rất nhiều trong quá trình làm việc cùng thầy cô và các bạn. Em muốn sản phẩm không chỉ là bài tập, mà thực sự giúp ích trong thực tế, để gia đình nào cũng có môi trường sống sạch, đẹp hơn”.

Từ phòng học ra thực tiễn

Thùng rác thông minh không phải là sản phẩm đầu tiên đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa Trường Cao đẳng Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trước đó, một sản phẩm khác, chiếc xe điện sử dụng năng lượng mặt trời do sinh viên ngành công nghệ ô tô thiết kế, chế tạo, cũng đã được nhà trường trao tặng cho Trung tâm.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi hợp tác giữa hai bên nhằm đưa công nghệ xanh, năng lượng tái tạo vào các hoạt động đời sống thường ngày tại di tích. Qua đó, giảm thiểu khí thải và góp phần bảo vệ môi trường bền vững. “Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ hợp tác, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong tương lai”, ông Trung cho hay.

Chiếc xe sau khi tiếp nhận đã được vận hành thử và sử dụng cho nhiều mục đích tại các điểm di tích, như vận chuyển cây cảnh, hàng hóa, thu gom rác… Những việc này tưởng nhỏ nhưng lại rất thiết thực trong công tác bảo tồn di sản.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Huế Hoàng Bảo Hùng thông tin, sản phẩm là kết quả sáng tạo của sinh viên nhà trường. Hiện nay, nhà trường đang có hai dự án do các sinh viên triển khai là thùng rác thông minh và trạm sạc điện thoại dùng năng lượng mặt trời, đều dự kiến sẽ chuyển giao tiếp cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong thời gian tới.

Giảng viên Trần Anh Linh, Trưởng khoa Điện – Điện tử kỳ vọng: Từ một sản phẩm nhỏ như thùng rác, các em đã biết gắn kết giữa công nghệ và bản sắc văn hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng nâng cấp sản phẩm bằng các công nghệ IoT để tối ưu hiệu quả và phục vụ cho mô hình đô thị thông minh mà Huế đang hướng đến.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/thung-rac-thong-minh-made-by-sinh-vien-152657.html