'Thùng thuốc súng'

Các Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ vừa có cuộc thảo luận trực tuyến về những diễn biến 'nóng' tại khu vực Trung Ðông, trong bối cảnh I-xra-en ráo riết xúc tiến sáp nhập các vùng lãnh thổ ở khu Bờ Tây. EU cảnh báo Mỹ về hậu quả của chính sách của I-xra-en thôn tính đất đai của người Pa-le-xtin, kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ 'con tàu hòa bình Trung Ðông' không trật bánh.

Các Bộ trưởng Ngoại giao Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ vừa có cuộc thảo luận trực tuyến về những diễn biến "nóng" tại khu vực Trung Ðông, trong bối cảnh I-xra-en ráo riết xúc tiến sáp nhập các vùng lãnh thổ ở khu Bờ Tây. EU cảnh báo Mỹ về hậu quả của chính sách của I-xra-en thôn tính đất đai của người Pa-le-xtin, kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ "con tàu hòa bình Trung Ðông" không trật bánh.

Các Bộ trưởng Ngoại giao EU nêu rõ quan điểm kêu gọi Mỹ tham gia nỗ lực mới để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin vốn bị đình trệ, song không chấp thuận coi kế hoạch hòa bình Trung Ðông của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm là cơ sở cho bất kỳ tiến trình quốc tế nào. Kế hoạch của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pa-le-xtin khi đề xuất "giải pháp hai nhà nước một cách thực tế". Theo đó, Nhà nước Pa-le-xtin được thành lập với thủ đô là một số khu vực ở Ðông Giê-ru-xa-lem và kèm theo các điều kiện với Pa-le-xtin; Giê-ru-xa-lem tiếp tục là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt" của I-xra-en. Ðề xuất này của Tổng thống Mỹ đi ngược lại con đường đấu tranh nhiều thập niên qua của người Pa-le-xtin về mục tiêu thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với thủ đô là Ðông Giê-ru-xa-lem và các đường biên giới trước năm 1967.

Trong khi đó, không công khai thừa nhận, song Mỹ đang ủng hộ I-xra-en thúc đẩy kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm thung lũng Gioóc-đan, cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do thái tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin. Chính quyền Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu được cho là bằng mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm khi còn tại nhiệm, bởi kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây cũng là một nội dung quan trọng trong bản kế hoạch hòa bình Trung Ðông mới mang tên "Thỏa thuận thế kỷ" do Oa-sinh-tơn khởi xướng. Tuy nhiên, giữa Mỹ và I-xra-en còn bất đồng trong việc vẽ các đường ranh giới lãnh thổ ở Bờ Tây.

Cảnh báo về hậu quả hoạt động sáp nhập của I-xra-en đối với triển vọng "giải pháp hai nhà nước", cũng như với hòa bình ở khu vực, các Bộ trưởng Ngoại giao EU khẳng định với Mỹ rằng, bất kỳ sáng kiến mới nào đều phải tôn trọng các nguyên tắc đã được quốc tế đồng thuận. Theo một thành viên Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO), hiện có những quốc gia châu Âu sẵn sàng công nhận Nhà nước Pa-le-xtin dựa trên đường biên giới trước năm 1967, thể hiện lập trường của châu Âu phản đối kế hoạch sáp nhập của I-xra-en. Liên đoàn A-rập (AL) cũng chỉ trích kế hoạch sáp nhập của I-xra-en là hành vi "xâm lược tàn bạo" mới đối với người dân và chủ quyền lãnh thổ của Pa-le-xtin.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu để ngỏ khả năng hoãn thực hiện kế hoạch sáp nhập, vốn dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 tới. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pa-le-xtin cáo buộc Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu đang đánh lạc hướng dư luận thế giới và muốn chia rẽ sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối kế hoạch sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây. Chính quyền Pa-le-xtin (PA) kêu gọi thế giới công nhận việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin trên vùng lãnh thổ bị I-xra-en chiếm đóng. Pa-le-xtin chính thức đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức thảo luận về kế hoạch của I-xra-en và có các biện pháp phù hợp. Pa-le-xtin cũng gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế, để cảnh báo về tính nghiêm trọng của kế hoạch sáp nhập của I-xra-en, đồng thời hy vọng các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ tổ chức một phiên họp khẩn của Ðại hội đồng LHQ về vấn đề này.

Việc Chính phủ mới ở I-xra-en đơn phương xúc tiến kế hoạch sáp nhập vùng đất chiếm đóng làm gia tăng căng thẳng với Pa-le-xtin. Tham vọng thôn tính lãnh thổ của I-xra-en có thể châm ngòi "thùng thuốc súng" vốn âm ỉ trong cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin. Các nỗ lực ngoại giao gần đây của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn kế hoạch của I-xra-en, đưa nước này và Pa-le-xtin trở lại bàn đàm phán nhằm đạt một giải pháp hai nhà nước như mục tiêu mà cả Pa-le-xtin và cộng đồng quốc tế đều theo đuổi bấy lâu nay.

Hà Ðan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44905502-thung-thuoc-sung.html