Thuở cơ cực ít ai biết của 'Vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ

Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã thành công khi xây dựng được một đế chế cà phê lớn mạnh tại Việt Nam.

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là "vua cà phê" cùng hoài bão lớn lao đưa thương hiệu cà phê Việt “phủ rộng” toàn cầu. Tuy nhiên, ít ai biết trước khi có được cơ ngơi như ngày nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã phải trải qua tuổi thơ nghèo khổ, cơ cực.

Tuổi thơ khốn khó, vay cả dòng tộc không đủ 2 triệu chữa bệnh cho cha

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại Nha Trang, Khánh Hòa. Sau đó, gia đình chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Vì thế, tuổi thơ của ông gắn liền với những ngày bẻ ngô, chăm lợn, phụ mẹ đóng gạch và đi bộ tới trường suốt 15 km trên con đường đất đỏ.

Biến cố xảy ra khi ông 10 tuổi. Lúc đó, cha ông ốm nặng, nguồn thu nhập chính của gia đình đặt nặng lên vai mẹ ông. Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn cách dây 10 năm, "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ: " Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng để lo viện phí cho ông”. Từ đây khao khát làm giàu, thoát nghèo đã được hình thành trong suy nghĩ của cậu bé mới 10 tuổi.

 Ít ai biết "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ từng có tuổi thơ cơ cực. Ảnh: Baodautu

Ít ai biết "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ từng có tuổi thơ cơ cực. Ảnh: Baodautu

Năm 20 tuổi, ông đỗ vào khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên. Thế nhưng, gia cảnh trong nhà vẫn không khấm khá hơn khiến ông đã bỏ học khi đang là sinh viên năm thứ 3 để lên TP HCM tìm cách làm giàu.

Tại đây ông có cơ duyên gặp được một người chú, chính người chú này đã thuyết phục ông quay lại Đắk Lắk để học hết đại học. Ngày về, vé máy bay của ông cũng là người chú này mua cho.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Trở về mảnh đất nơi mình lớn lên, ông vừa tiếp tục học, vừa bắt đầu xây con đường riêng của mình. Ông trăn trở với câu hỏi: "Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu?”

Thuở khởi nghiệp của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đầy khó khăn. Ảnh: Internet

Thuở khởi nghiệp của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đầy khó khăn. Ảnh: Internet

Trăn trở đó thôi thúc ông cùng 3 người bạn hùn vốn mở một lò rang cà phê. Thế nhưng, công cuộc khởi nghiệp ban đầu gặp muôn vàn khó khăn. Lò rang cà phê đầu tiên đã bị phía chủ nhà trọ dẹp bỏ ngay trong ngày khai trương.

Lò rang cà phê thứ hai thì bị hàng xóm xung quanh báo công an vì lo lắng không an toàn. Không bỏ cuộc, ông cùng các bạn nhận rang xay vài kg, sau đó đóng gói và bán cho những mối lẻ. Sau bao cố gắng, cuối cùng, thương hiệu của ông được một số người chú ý đến.

Năm 1996, cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3, thành phố Buôn Ma Thuột, là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cả tập đoàn Trung Nguyên sau này. Từ cơ sở này, những người bạn xác định kế hoạch sẽ mở thêm điểm kinh doanh ở miền Tây, tạo bàn đạp tiến về thị trường Sài Gòn.

Những tưởng sự nghiệp sẽ thuận lợi, nào ngờ kế hoạch phân phối cà phê tại miền Tây, TP HCM và Buôn Ma Thuột liên tục thất bại chỉ sau vài tháng. Đứng trước nguy cơ phá sản, may mắn thay, ông được một người bạn cho mượn một chiếc xe Dream để bán lấy tiền trả nợ.

Sau này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ rằng: "Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay".

 "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Zing

"Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Zing

Nhờ chiếc xe này, 2 năm sau (tháng 8/1998), ông cùng nhóm bạn đã có cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Quán đã có những bước thành công đầu tiên khi quyết định “Phục vụ đồ uống miễn phí trong vòng 10 ngày”. Tiếng lành đồn xa, chiến lược này của Đặng Lê Nguyên Vũ đã giúp thương hiệu của ông vang đến từng ngõ ngách tại TP HCM.

Từ đó, thành công nối tiếp thành công, sau khi bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan vào năm 2001, nhiều nhà máy cà phê được xây dựng, trong đó có nhà máy lớn nhất Việt Nam và nhà máy lớn nhất Châu Á. Không dừng lại ở đó, Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục thực hiện ước mơ đưa thương hiệu cà phê Việt vươn ra thế giới. Năm 2008, ông đã có văn phòng đầu tiên tại Singapore. Hiện nay. thương hiệu của ông đã có mặt tại 60 quốc gia trên toàn thế giới. Vừa qua, Trung Nguyên đã mở cửa hàng tại “thủ phủ cà phê thế giới” - Thượng Hải, Trung Quốc.

Video: Vợ cũ ông chủ cà phê Trung Nguyên chia sẻ về thị trường cà phê VN. Nguồn:| VTV24

Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/thuo-co-cuc-it-ai-biet-cua-vua-ca-phe-dang-le-nguyen-vu-1761153.html