Thuốc bảo hiểm y tế chi trả: Mua trong hay ngoài bệnh viện cũng như nhau

Đã là thuốc thuộc danh mục Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả thì mua trong hay ngoài bệnh viện cũng như nhau về chất lượng và đều là thuốc rẻ nhất có thể.

 Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bên ngoài bệnh viện

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bên ngoài bệnh viện

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2024.

Đáng chú ý nhất của dự thảo này là người bệnh được quyền mua thuốc và vật tư y tế ở các nhà thuốc ngoài bệnh viện. Tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn phải thuộc danh mục chi trả của BHYT. Thời điểm người bệnh cần sử dụng thuốc và vật tư y tế mà bệnh viện không đáp ứng được. Phải mua ở các nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh - nơi người bệnh đang khám, chữa bệnh...

Thật ra thì ở Việt Nam, việc các bệnh nhân phải mua thuốc và vật tư y tế ngoài bệnh viện là chuyện đương nhiên và phổ biến. Và theo một thống kê của Bộ Y tế thì nguồn chi trả trực tiếp từ người bệnh chiếm 40% tổng chi phí khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, 40% chi trả cho thuốc và vật tư mua ngoài bệnh viện là phần thuốc và vật tư mà người bệnh buộc phải chi trả thêm do BHYT không thanh toán, cũng như tự nguyện bỏ tiền ra để chi trả cho phần “tốt hơn” so với phần được thụ hưởng trong BHYT.

Cả hai vế buộc và tự nguyện này đều đến từ cùng một nguyên nhân là do nguồn tiền (từ ngân sách và từ đóng BHYT) không đủ nên BHYT chỉ mua thuốc và vật tư y tế rẻ nhất có thể. Cũng như chỉ chi trả hay đáp ứng được những chi phí cơ bản nhất cho người bệnh.

Còn lại người bệnh muốn dùng thêm các chi phí “ngoài cơ bản”, muốn dùng thuốc và vật tư tốt hơn thì phải mua ngoài với chênh lệch có khi lên đến vài chục lần cho cùng một loại thuốc hay vật tư đúng theo kiểu tiền nào của đó.

Ví dụ một bệnh nhân sốt, theo danh mục thuốc BHYT thì bác sĩ sẽ cho hạ sốt bằng viên paracetamol (giá rẻ, hiệu quả chậm). Còn bệnh nhân muốn dùng viên sủi paracetamol nhập ngoại, cho hiệu quả hạ sốt nhanh thì phải tự bỏ tiền ra ngoài để mua. Và bác sĩ cũng không thể kê đơn có viên sủi paracetamol nhập ngoại vì hai loại này chênh tiền nhau đến 10 lần và dĩ nhiên BHYT không chi trả cho số chênh 10 lần này. Vậy nên khi Thông tư này được áp dụng, về cơ bản thì quyền lợi của người bệnh liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh và dùng thuốc, vật tư y tế… không có gì thay đổi.

Thay đổi có chăng là thuốc và vật tư y tế từ nay sẽ được người bệnh chủ động hơn, đáp ứng nhanh hơn, không còn cảnh nhiều bệnh nhân bị tai nạn, nhưng vào bệnh viện phải nằm chờ cho đến khi chân mưng mủ vẫn chưa được chữa trị do không có vật tư như ở Đà Nẵng mới đây.

Hay nhiều bệnh nhân, cũng ở Đà Nẵng, cứ vô bệnh viện là xin chuyển tuyến ra Trung ương Huế điều trị vì bệnh viện không có thuốc và vật tư do sự khủng hoảng, bất cập từ quy trình đấu thầu ở các bệnh viện kéo dài đã hơn 2 năm nay.

Và người bệnh, khi mua thuốc ngoài bệnh viện, nếu muốn thu hồi được tiền từ BHYT sẽ phải tự mình xử lý lấy một mớ bòng bong những hóa đơn, chứng từ, thủ tục hành chính vô cùng rắc rối thay vì có sự hỗ trợ của bác sĩ, nhân viên y tế như mua trong bệnh viện.

Cuối cùng thì hiện người dân đang rất hồ hởi, bởi có một sự hiểu nhầm rất lớn về việc họ sẽ được quyền mua thuốc ở ngoài bệnh viện, dù không nằm trong danh mục BHYT thì vẫn được BHYT chi trả khi Thông tư này được áp dụng.

Nên một mặt lấy ý kiến cho Thông tư, một mặt Bộ Y tế cũng cần có phương án đơn giản hóa thủ tục thanh toán, cũng như có kế hoạch truyền thông rộng rãi, rõ ràng hơn để tránh sự hiểu nhầm, để rồi lại phát sinh mâu thuẫn không đáng có khi tâm trạng hồ hởi biến thành sự thất vọng!

Bài: Hoàng Văn MinhẢnh: Ngọc Hòa

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/thuoc-bao-hiem-y-te-chi-tra-mua-trong-hay-ngoai-benh-vien-cung-nhu-nhau-136210.html