Thuốc cúm khan hiếm, giá nhảy vọt
Tính đến thời điểm chiều ngày 23-12, dịch cúm đang tiếp tục lan rộng. Tình trạng học sinh các trường nghỉ học vì mắc cúm trở nên phổ biến. Tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, phòng khám và phòng xét nghiệm cúm quá tải từ sáng tới chiều.
Nhưng tỉ lệ nghịch với sự gia tăng số người mắc cúm là sự thiếu hụt trầm trọng thuốc điều trị cúm Tamiflu. Cùng với đó là tình trạng giá thuốc tăng chóng mặt.
Số người mắc cúm không từng tăng
2h chiều ngày 23-12, phòng khám của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đông kín bệnh nhân. Phổ biến là trẻ nhỏ từ 4 tháng tuổi đến 10 tuổi với các triệu chứng sốt cao, uống hạ sốt không giảm, đau người, viêm mũi họng. Số lượng bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện điều trị đã kín các phòng bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết những ngày này miền Bắc có mưa, thời tiết lạnh, ẩm thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan. Thêm nữa, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm. Hai tuần trở lại đây, bệnh nhi mắc cúm A vào viện nhiều.
Nếu trong tháng 11 có gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện thì trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hàng trăm bệnh nhi đến khám, chủ yếu vì cúm, số bệnh nhân tăng 10-20% so với trước.
Khoa Khám bệnh và điều trị 24h, càng về cuối chiều ngày 23-12, các trường hợp trẻ sốt cao đến khám và xét nghiệm càng tăng. Bà Nguyễn Thị Thúy ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tất tả cùng con dâu đưa cháu trai 11 tháng tuổi lên bệnh viện khám. Bà bảo, ở quê thấy cháu sốt đã 2 ngày, uống hạ sốt không giảm, khó thở nên hai mẹ con đưa cháu lên thẳng Bệnh viện Nhi, không ngờ đông quá, chờ từ 2 giờ mà mãi chưa tới lượt khám.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng bệnh nhân ồ ạt khám và nhập viện vì mắc cúm còn diễn ra phổ biến tại các bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Như Hoa, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thời gian trước, mỗi ngày khoa tiếp nhận khám cho 50-60 ca.
Những ngày này đang mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám, trong đó nhập viện tới 100 ca. Các bác sĩ Khoa Nhi phải bố trí thêm 2 phòng khám, trả kết quả để có thể giải quyết tình trạng quá tải.
Chóng mặt vì giá thuốc
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Phương Lan ở quận Cầu Giấy đã trải qua “hành trình mua thuốc cúm” cho con. Con trai 5 tuổi của chị mắc cúm A, Bệnh viện Nhi kê thuốc Tamiflu 75mg nhưng nhà thuốc trong bệnh viện thông báo hết thuốc, chị phải tìm mua ở ngoài. Ra nhà thuốc ở cổng viện, chị Lan choáng khi chủ nhà thuốc hét giá 500 nghìn đồng/viên. Vì giá thuốc quá cao, chị Lan bỏ công đến các nhà thuốc ở một vài bệnh viện khác nhưng cũng được thông báo là hết thuốc.
Có người mách nước cho chị Lan muốn mua được Tamiflu thì cho con vào khám lại tại các bệnh viện tư nhân, ở đó vẫn có thuốc bán. Nghĩ nản quá, chị Lan tiếp tục đi hỏi các cửa hàng thuốc, cuối cùng cũng mua được thuốc cho con với giá 120 nghìn đồng/viên. Để có được 4 viên thuốc Tamiflu cho con, chị Lan đã trải qua khoảng thời gian khóc dở mếu dở, chóng mặt vì giá thuốc.
Không chỉ ở Hà Nội mà cả TP Hồ Chí Minh cũng báo động tình trạng thiếu hụt lượng thuốc kháng virus cúm Tamiflu 75mg. Cục Quản lý dược đã nhận được văn bản đề nghị của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc hết thuốc Tamiflu, đề nghị được vay thuốc từ nguồn dự trữ phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã gửi văn bản thông báo tới Cục về việc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã không còn thuốc Tamiflu để điều trị cho bệnh nhân do nhà nhập khẩu không tiếp tục ký hợp đồng và không cung cấp thuốc cho bệnh viện.
Trước tình trạng các bệnh viện “kêu cứu”, ngày 18-12, Cục Quản lý dược có văn bản gửi Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 yêu cầu khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg phục vụ điều trị cúm. Cơ quan này cũng có văn bản khẩn gửi các bệnh viện, đề nghị các bệnh viện liên hệ với đầu mối nhập khẩu thuốc, chủ động nguồn thuốc điều trị cho người bệnh, tăng cường kiểm tra xử lý trường hợp găm giữ thuốc để bán với giá cao.
Trường hợp doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hết thuốc, cần lập ngay hồ sơ để Cục Quản lý dược giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh, đảm bảo có thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, đến chiều 23-12, thuốc vẫn hiếm mà giá thuốc thì vẫn cao. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số hiệu thuốc lớn trên địa bàn quận Cầu Giấy và Đống Đa (Hà Nội) thì rất ít nơi có thuốc để bán. Ở những địa chỉ có thuốc, theo chủ cửa hàng thì số lượng thuốc còn lại không nhiều mà giá thuốc mỗi nơi mỗi khác, chỗ này 180 nghìn đồng/viên, chỗ kia là 220 nghìn đồng/viên. Hỏi rằng tại sao giá thuốc cúm lại tăng cao và “cao không đều” thì được trả lời rằng vì đang mùa dịch cúm nên khan hiếm thuốc.
Thấy tôi chỉ hỏi giá mà chưa mua, cô nhân viên cửa hàng thuốc giục giã: “Chị mua đi không hết thuốc đấy, giá có khi còn tiếp tục tăng. Cách đây một tháng, giá thuốc Tamiflu là 45 nghìn đồng/viên. Nhưng trong vòng 2 tuần trở lại đây, giá thuốc tăng vọt mà bọn em vẫn cháy hàng”.
Tại một hiệu thuốc khác, nhân viên bán thuốc thông báo hết thuốc Tamiflu nhưng lại gợi ý cho tôi nếu muốn mua thuốc phải đặt cọc tới 5 triệu đồng/vỉ 10 viên - mức giá so với giá niêm yết của Bộ Y tế đã vọt lên khoảng 11 lần.
Tại Khoa Khám bệnh và điều trị 24h, chị Bùi Thị Huyền ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vừa đi mua thuốc ở hiệu thuốc bên ngoài cho con trai 38 tháng tuổi mắc cúm A. Trong đơn thuốc, một trong các loại thuốc được bác sĩ kê là Tamiflu 75mg nhưng lại được ghi chú bên cạnh là “hết” nên chị phải ra ngoài mua với giá 410 nghìn/4 viên, cả đơn thuốc hết gần 1 triệu đồng. Chị Huyền hoang mang khi giá thuốc quá cao trong khi hoàn cảnh gia đình chị lại khó khăn.
“Nhưng dù thuốc có đắt mấy thì cũng phải cắn răng mua cho con nhanh khỏi, chứ đợi đến khi giá giảm thì lại sợ bệnh của con biến chứng”, chị Huyền buồn rầu nói với tôi như vậy. Trong khi số ca mắc cúm không ngừng tăng, số lượng thuốc khan hiếm, giá thuốc mỗi nơi mỗi khác, nhiều ông bố bà mẹ như chị Huyền đang trải qua những ngày lo lắng và bất an.
Không tự ý uống Tamiflu
Chị Nguyễn Phương Lan (Cầu Giấy) sau khi toát mồ hôi tìm mua thuốc cúm, giờ đã “đặt gạch” quầy thuốc thêm một vỉ 10 viên về để dành. Chị bảo tuy giá thuốc cao nhưng yên tâm vì đã có sẵn thuốc để dùng. Không chỉ chị Lan mà có rất nhiều phụ huynh trong những ngày này có tâm lý mua thuốc, trao đổi thuốc cúm để về tích trữ phòng khi con mắc bệnh, bất chấp giá cả đắt đỏ.
Chiều 23-12, Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho biết, số lượng thuốc Tamiflu 75mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên. Cục Quản lý dược đã điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu 75mg cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Lô hàng 50.000 viên thuốc Tamiflu dự kiến được nhập khẩu về Việt Nam vào ngày 26-12. Lô thuốc Tamiflu tiếp theo khoảng 140.000 viên 75mg sẽ tiếp tục được nhập khẩu về vào đầu tháng 1-2020.
Trước tình trạng trên, tại Hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh diễn ra vào ngày 20-12 vừa qua, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, có một số khuyến cáo liên quan đến thuốc Tamiflu. Theo ông Khuê, Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ hỗ trợ điều trị, người dân không nên đổ xô đi mua về sử dụng. Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số 1.
Cục Quản lý dược đề nghị người dân không tự ý điều trị cúm, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc. Hơn nữa, nếu đổ xô đi mua thuốc cúm, không những gây ra tình trạng “cháy thuốc”, “đội giá thuốc” mà còn rất dễ mua phải thuốc giả sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo người dân khi có triệu chứng cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị.
Theo tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc dùng thuốc điều trị Tamiflu cho bệnh nhân cúm chỉ có tác dụng khi phát hiện bệnh từ sớm. Thuốc chỉ có tác dụng trong 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể và rút ngắn thời gian mắc bệnh xuống 3-4 ngày.
Vì vậy, khi mắc cúm, không nhất thiết phải tìm mua bằng được thuốc Tamiflu để uống. Thay vào đó nên theo dõi nhiệt độ và hạ sốt, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 để tránh co giật, chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hằng ngày để vệ sinh họng, tránh bội nhiễm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Điều đặc biệt lưu ý là không tự ý dùng kháng sinh khi mắc cúm vì dùng kháng sinh trong điều trị cúm là không có tác dụng. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng vaccine cúm, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng, tránh xa nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc cúm.
Theo Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng virus cúm được ghi nhận chủ yếu là A(H1N1) và B.
Cục Y tế dự phòng dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.