Thuốc điều trị bệnh hạch nền
Hạch nền đóng vai trò rất lớn trong việc kiểm soát vận động của cơ thể. Khi hạch nền bị tổn thương, người bệnh có thể gặp khó khăn về thăng bằng, tư thế hoặc các chuyển động khác.
NỘI DUNG:
1. Các biện pháp điều trị hạch nền
2. Thuốc nào dùng điều trị hạch nền?
2.1 Thuốc điều trị bệnh Parkinson
2.2 Thuốc giãn cơ
2.3 Tiêm Botox
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Hạch nền là một nhóm nhân dưới vỏ não bên trong não. Bệnh hạch nền là một nhóm các vấn đề về thể chất xảy ra khi hạch nền không thể kiểm soát đúng cách các vận động không mong muốn. Những triệu chứng này có thể bao gồm các chuyển động không tự chủ như run hoặc chuyển động giật cục, cứng cơ, các vấn đề về phối hợp và thăng bằng.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải những thay đổi về tư thế, khó khăn khi đi lại, các vấn đề về nói và nuốt. Những thay đổi về cảm xúc, nhận thức như thay đổi tâm trạng, khó khăn khi ra quyết định và các vấn đề về trí nhớ cũng có thể xảy ra.
Bất kỳ tình trạng nào có thể gây tổn thương não đều có thể làm tổn thương hạch nền.
1. Các biện pháp điều trị hạch nền
Một trong những cách tốt nhất để phục hồi chức năng và điều trị bệnh hạch nền là thông qua tính dẻo thần kinh. Tính dẻo thần kinh đề cập đến khả năng tự phục hồi, tạo ra các đường dẫn thần kinh mới và củng cố các đường dẫn hiện có của não.
Các đường dẫn được cải thiện tốt nhất thông qua các bài tập lặp đi lặp lại. Do đó, một trong những cách quan trọng nhất để cải thiện tác động của tổn thương hạch nền là vật lý trị liệu và luyện tập các cơ bị ảnh hưởng.
Cùng với vật lý trị liệu, có một số lựa chọn để điều trị bệnh hạch nền, bao gồm:
Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ hoặc tiêm botox.
Phẫu thuật: Khi botox hoặc thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Trong quá trình này, phần não kiểm soát các chuyển động cơ không tự chủ sẽ bị loại bỏ.
Ngoài phẫu thuật, hầu hết các phương pháp điều trị chỉ giúp làm giảm tạm thời các triệu chứng vì chúng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ.
2. Thuốc nào dùng điều trị hạch nền?
Hiện tại, không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm bệnh, nhưng một số loại thuốc và phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2.1 Thuốc điều trị bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến tổn thương hạch nền. Các tế bào thần kinh bị thoái hóa, dẫn đến thiếu dopamin, làm gián đoạn khả năng điều khiển chuyển động. Levodopa là thuốc chính trong điều trị bệnh Parkinson.
Levodopa là tiền chất trực tiếp của dopamin, có tác dụng giống như dopamin. Khi được đưa vào cơ thể, levodopa qua được hàng rào máu - não và được chuyển hóa thành dopamin, giúp giảm các triệu chứng. Levodopa thường được sử dụng kết hợp với một loại thuốc ức chế (ví dụ: Carbidopa) để giảm tác dụng phụ và tăng hiệu quả điều trị.
Levodopa cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng lâu dài hoặc không đúng cách. Các tác dụng phụ của thuốc thường gặp là rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, đau đầu…
2.2 Thuốc giãn cơ
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ như tizanidine và baclofen, để giúp ngăn ngừa co thắt cơ và các tác dụng khác như loạn trương lực cơ. Thuốc giãn cơ hoạt động bằng cách làm cho các cơ bớt căng thẳng hoặc cứng hơn, do đó làm giảm đau và khó chịu.
Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, một số người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, các vấn đề về thị lực, yếu, chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, khô miệng, khó thở, đau nhức cơ, mất ngủ hoặc gặp ác mộng, cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn, lú lẫn, mất thăng bằng, đi tiểu nhiều hơn, run rẩy, tăng tiết mồ hôi và phát ban trên da...
2.3 Tiêm botox
Độc tố botulinum là một loại thuốc điều trị được tạo ra từ vi khuẩn Clostridium Botulinum thông qua quá trình xử lý đặc biệt, giúp liệu pháp này an toàn khi sử dụng trong lâm sàng. Khi tiêm trực tiếp vào cơ, botox tạm thời ngăn chặn việc giải phóng acetylcholine, chất dẫn truyền thần kinh ra lệnh cho cơ co lại, giúp cơ thư giãn.
Tác dụng phụ thường gặp nhất là yếu cơ tạm thời gần vị trí tiêm. Người bệnh cũng có thể bị đau, bầm tím hoặc chảy máu tại vị trí tiêm. Hiếm khi, có thể gây ra tình trạng yếu cơ toàn thân hoặc các triệu chứng giống như cúm. Không nên dùng khi bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm hoặc đã từng bị dị ứng với sản phẩm độc tố botulinum khác.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Khi sử dụng thuốc điều trị, có một số lưu ý quan trọng mà bệnh nhân và người chăm sóc cần lưu ý để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu các tác dụng phụ.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Không tự ý thay đổi liều lượng (không tăng hoặc giảm liều thuốc mà bác sĩ đã chỉ định), thay đổi thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc làm giảm hiệu quả điều trị.
- Tuân thủ thời gian dùng thuốc: Uống thuốc đúng giờ để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Theo dõi tác dụng phụ: Nếu có dấu hiệu bất thường cần báo bác sĩ ngay.
Tuy thuốc không điều trị dứt điểm bệnh, nhưng có thể giúp kiểm soát triệu chứng, trong khi vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện chức năng vận động và khả năng di chuyển. Nếu bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu nghi ngờ tổn thương hạch nền, tốt nhất nên đi khám chuyên khoa để được tầm soát và có phương án điều trị phù hợp.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-benh-hach-nen-169241223111801304.htm