Thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp.

Quá trình điều trị hội chứng buồng trứng đa nang thường bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống, bao gồm giảm cân, tập thể dục và sử dụng thuốc.

1. Các thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

NỘI DUNG::

1. Các thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

1.1. Thuốc tránh thai phối hợp

1.2. Thuốc kháng nội tiết tố androgen

1.3. Metformin

1.4. Clomiphene

1.5. Một số thuốc khác

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Việc sử dụng thuốc trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng lâu dài, thường là do kháng insulin - trong đó cơ thể gặp khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả hormone insulin điều chỉnh lượng đường trong máu. Các biến chứng bao gồm bệnh đái tháo đường type 2, cholesterol cao và béo phì...

1.1. Thuốc tránh thai phối hợp

Thuốc tránh thai dạng uống có chứa estrogen và progestin sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang và giúp phụ nữ rụng trứng, có kinh nguyệt đều đặn hoặc có kinh nguyệt ít hơn, giảm chuột rút. Thông thường, niêm mạc tử cung sẽ bong tróc sau mỗi 28 ngày trong khi dùng thuốc tránh thai, điều này cũng làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng…

Mặc dù hiếm gặp, nhưng người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc như thay đổi tâm trạng, có thể tăng hoặc giảm cân, buồn nôn, đau đầu, đau ngực… Ngoài ra, thuốc tránh thai phối hợp có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối, đặc biệt ở người béo phì (BMI>30).

Do đó, những trường hợp sau đây chống chỉ định sử dụng thuốc tránh thai phối hợp:

Người có tiền sử đau nửa đầu
Có vấn đề về đông máu
Người có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh động mạch, tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, thuyên tắc mạch
Người có bệnh lý van tim
Ung thư vú
Người xơ gan, ung thư gan

1.2. Thuốc kháng nội tiết tố androgen

Các thuốc trong nhóm này như spironolactone giúp ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố nam hoặc nội tiết tố androgen, như testosterone. Tuy nhiên, do thuốc này có thể gây quái thai nên cần có biện pháp tránh thai hiệu quả. Thuốc kháng androgen cũng có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Mặc dù hiếm gặp, một số loại thuốc kháng androgen có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về điện giải, bệnh gan hoặc số lượng bạch cầu thấp, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần tái khám và xét nghiệm máu định kỳ để đảm bảo cơ thể đang đáp ứng với thuốc.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

1.3. Metformin

Nhiều người bị buồng trứng đa nang bị kháng insulin, có thể gây sản xuất androgen dư thừa, kinh nguyệt không đều, béo phì và đái tháo đường.

Metformin là thuốc điều trị đái tháo đường phổ biến với giá thành rẻ, có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp trong điều trị buồng trứng đa nang để cải thiện tình trạng kháng insulin, cải thiện cân nặng ở người quá cân (BMI>25kg/m2), cải thiện chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, chỉ số mỡ máu và giảm biến chứng do đái tháo đường. Thuốc có thể được kết hợp với thuốc tránh thai phối hợp hoặc thay thế cho thuốc tránh thai phối hợp để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Metformin được dùng bằng đường uống và phát huy tác dụng tốt nhất khi được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là buồn nôn, tiêu chảy và thiếu vitamin B12. Thuốc cần được khởi đầu từ liều thấp (500mg/ngày) và tăng liều dần dần, tối đa tăng thêm 500mg/ngày sau 1-2 tuần để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Thuốc nên được lựa chọn dạng giải phóng kéo dài và uống sau ăn. Bạn có thể bổ sung vitamin B12 theo tư vấn của bác sĩ để giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 hoặc định lượng vitamin B12 nếu cần thiết.

1.4. Clomiphene

Đối với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang mà mong muốn mang thai, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp clomiphene. Clomiphene là thuốc kích thích rụng trứng nhằm giúp phụ nữ mắc buồng trứng đa nang tăng khả năng có thai.

Tuy nhiên, thuốc có thể ảnh hưởng đến thị giác, vì vậy cần trao đổi với bác sĩ khi có dấu hiệu nhìn mờ hoặc các biểu hiện bất thường về thị giác trong quá trình sử dụng thuốc. Trường hợp bạn đang có kinh nguyệt thì cần tuân thủ thời gian sử dụng thuốc như khuyến cáo của bác sĩ kê đơn.

1.5. Một số thuốc khác

Một số loại thuốc khác có thể được kê đơn để giúp giảm sự phát triển của các triệu chứng khác như mụn trứng cá… Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng các loại thuốc thông thường (ví dụ: benzoyl peroxide, kem tretinoin, thuốc kháng sinh dạng bôi và uống). Thuốc isotretinoin theo đường toàn thân chỉ được dùng cho những trường hợp nặng.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Khi dùng thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

- Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc mà bác sĩ chỉ định: Người bệnh không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc: Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để có phương án xử lý kịp thời, có thể giảm liều hoặc thay đổi thuốc.

- Kết hợp điều chỉnh lối sống: Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang nên duy trì chế độ ăn kiêng ít carbohydrate, tăng cường tập thể dục thể thao. Điều này cũng giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt. Bác sĩ có thể sẽ đưa ra những điều chỉnh trong phác đồ điều trị tùy theo tình trạng của mỗi người.

ThS. BSCKII. Nguyễn Công Định

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-hoi-chung-buong-trung-da-nang-169240326112428899.htm