Thước đo của sự văn minh

Hiện nay, tại nơi công sở, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước dần hình thành những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp. Với các đơn vị thuộc Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cũng vậy. Văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử được thể hiện chuẩn mực trong tác phong công vụ, giao tiếp với công dân và thái độ chào hỏi niềm nở… Hơn hết, điều này thể hiện phẩm chất của người cán bộ, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm và sẵn sàng phục vụ yêu cầu của công dân, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức gần dân và vì dân.

Chú trọng trình độ và kỹ năng

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, bao gồm những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp mỗi cá nhân giao tiếp hiệu quả, thuyết phục hơn khi áp dụng thuần thục kỹ năng giao tiếp đó. Giao tiếp tốt sẽ dần hình thành lối ứng xử tốt. Tuy nhiên, để có được kỹ năng giao tiếp tốt đòi hỏi mỗi cá nhân phải thực hành thường xuyên, áp dụng vào mọi hoàn cảnh để rèn luyện và cải thiện tốt kỹ năng giao tiếp của mình, từ đó tạo nên giá trị, niềm tin, hiểu biết, chuẩn mực cơ bản của các thành viên trong đơn vị.

Quanh vấn đề này, bà Tạ Thị Mỹ Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, cho rằng, trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự chốn công sở.

Đoàn viên công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội trao đổi ý kiến về văn hóa ứng xử. Ảnh: Đinh Luyện

Đoàn viên công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội trao đổi ý kiến về văn hóa ứng xử. Ảnh: Đinh Luyện

Xây dựng văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử nơi công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Từ đó tạo bầu không khí cởi mở giúp nhân viên hứng khởi làm việc đưa chất lượng và hiệu quả công việc lên cao.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết, để nâng cao văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức, thời gian qua Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về công tác này. Hội nghị tuyên truyền “Văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử nơi công sở” cho đoàn viên của Công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội là ví dụ.

Tại hội nghị, gần 200 đại biểu là các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn ngành, các đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành, các đồng chí lãnh đạo và đoàn viên công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội trực tiếp được nghe, được truyền đạt những kiến thức bổ ích về văn hóa ứng xử và giao tiếp sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Đánh giá cao chất lượng hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đạt – thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội hàng ngày ngoài tiếp xúc với lãnh đạo, đồng nghiệp còn thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, và công dân khi thực thi công vụ. Do vậy, cần rất nhiều kỹ năng cơ bản để phát huy tốt hiệu quả công việc. Hội nghị tuyên truyền “Văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử nơi công sở” là diễn đàn để trao đổi những kinh nghiệm quý báu, tạo dựng nếp văn hóa giao tiếp cho cán bộ công chức viên chức.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Ở khía cạnh đào tạo, Thạc sỹ Hoa Hữu Vân – nguyên Phó Vụ trưởng vụ gia đình, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch chia sẻ, trong môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao, văn hóa ứng xử không chỉ hình thành nên sự chuyên nghiệp, mà còn giúp xây dựng mối quan hệ, nâng cao hiệu quả công việc. Nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, Thạc sỹ Hoa Hữu Vân cho biết: “Kỹ năng giao tiếp có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong môi trường công sở nói riêng, nhất là đối với mỗi cán bộ công chức viên chức.

Qua giao tiếp cán bộ Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội hướng đến mục tiêu cao nhất là hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ của ngành với chất lượng và hiệu quả cao nhất; đem lại lợi ích cho nhà nước, cho nhân dân theo đúng quy định của pháp luật…”.

Tập huấn về văn hóa giao thông và kỹ năng giao tiếp.

Tập huấn về văn hóa giao thông và kỹ năng giao tiếp.

Đồng quan điểm này, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Chánh Thanh tra Sở, Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hình ảnh người cán bộ thanh tra được thể hiện thông qua tác phong, cử chỉ, lời nói, thái độ, tư thế, nét mặt gắn liền với cách ăn mặc nghiêm túc... Hoạt động của thanh tra nhằm bảo vệ pháp luật, lấy phòng ngừa là cơ bản, đồng thời phát hiện và xử lý để kỷ cương pháp luật được nghiêm minh.

Coi trọng việc phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết nhược điểm để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước. Qua đó nâng cao dân trí, sự hiểu biết thực thi pháp luật. “Với lực lượng thanh tra, thường xuyên phải giao tiếp với người dân thì những ứng xử phù hợp là quan trọng. Bên cạnh xử lý vi phạm thì cán bộ thanh tra đồng thời cũng là người tuyên truyền về luật pháp, rất cần có ứng xử, thái độ chuẩn mực” – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thực tế, thời gian qua không chỉ các cấp Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội chú trọng quan tâm đến vấn đề này, ở Liên đoàn lao động Thành phố, nội dung này còn được triển khai sâu rộng trong các phong trào thi đua. Chẳng hạn, tại Kế hoạch số 50/KH-LĐLĐ nêu rõ, việc triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng“ là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội về văn hóa ứng xử; chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, gương mẫu trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đồng thời, phong trào thi đua này được triển khai nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trở lại câu chuyện nâng cao văn hóa giao tiếp và kỹ năng ứng xử cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức ở Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, nhận định, 2 Bộ quy tắc ứng xử Thành phố ban hành đã đóng vai trò quan trọng, góp phần hình thành, nâng cao vị trí vai trò của ứng xử với đội ngũ cán bộ công chức viên chức và người lao động.

Ở Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, bên cạnh công tác tuyên truyền, chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động còn luôn chú trọng nâng cao vai trò trong thực hiện hành chính công vụ, nâng cao việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố.

“Thời gian tới, Công đoàn Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Ban an toàn giao thông Thành phố tổ chức hội thi lái xe mô tô giỏi, an toàn, tổ chức tuyên truyền về văn hóa giao thông và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; triển khai khai nội dung cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực, nghiêm chỉnh chấp hành 2 bộ quy tắc ứng xử Thành phố ban hành” - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuoc-do-cua-su-van-minh-110965.html