Thước đo hiệu quả EVFTA là lợi ích của doanh nghiệp siêu nhỏ và SMEs

Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-EU sắp được thành lập sẽ hướng đến mục tiêu hỗ trợ nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) trở thành chủ thể chính và được hưởng lợi từ EVFTA.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, đơn vị này và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa quyết định thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-EU để phối hợp, trao đổi, kiến nghị các chính sách.

Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp hai bên nắm tay nhau trở thành chủ thể của quá trình hội nhập Việt Nam-EU cũng như khai thác Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Chủ tịch VCCI đánh giá, Hội nhập nói chung và EVFTA nói riêng chỉ có thể thành công nếu các đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phải trở thành chủ thể chính và có lợi ích từ quá trình này.

“Thước đo của EVFTA là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của hai bên có thể làm ăn, hưởng lợi cùng nhau hay không.

Đường cao tốc mở ra giữa Việt Nam và EU không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng, container mà còn cho xe tải nhỏ, xe ca của các hộ kinh doanh, SMEs có thể tiến ra thị trường thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ và nói, đây cũng là phương châm hành động của Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-EU.

Hôm qua, ông Lộc tra cứu trên Google để xem, thế giới và Việt Nam nói về EVFTA như thế nào?

Kết quả thu về, cụm từ EVFTA bằng tiếng Anh có 45 triệu lượt tìm kiếm và 10 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt.

Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia truyền thông nhiều nhất về Hiệp định này.

Phát biểu tại hội nghị "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)" được tổ chức sáng 06/08, ông Lộc nhận thấy 2 nhóm giải pháp cơ bản liên quan đến thông tin, nội luật hóa, giải thích cam kết, tư vấn thực thi và xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nhóm giải pháp nền tảng cốt lõi thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và của các doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và tận dụng được các cơ hội đã xác định.

Vấn đề nội luật hóa không chỉ là quá trình tuân thủ các cam kết mà còn là quá trình xây dựng pháp luật theo hướng mở rộng không gian, cắt bỏ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vấn đề truyền thông về Hiệp định qua thông tin, tổ chức hội nghị hội thảo liên quan dù nhiều về số lượng nhưng tập trung vào từng ngành hàng còn lúng túng.

Thiếu sót lớn nhất hiện nay là chưa có đầu mối đủ thẩm quyền để đưa ra thông tin, giải thích các cam kết, tư vấn, xử lý vướng mắc xung đột trong quá trình thực hiện các cam kết.

“Nhưng trong bản kế hoạch hành động Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ định Bộ Công thương là cơ quan thực hiện nhiệm vụ trên. Đây như đầu mối dứt khoát rõ ràng, điểm tựa quan trọng để mọi sự xung đột, khó hiểu cứ gọi Bộ Công thương”, Chủ tịch VCCI cho biết và kỳ vọng, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI cũng như các Hiệp hội ngành nghề để triển khai công việc trên một cách thực chất.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Đức Thanh).

Tận dụng được cơ hội từ EVFTA nói riêng và các Hiệp định thương mại tự do khác nói chung, chính là hành trình chinh phục nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Và muốn chuẩn bị tốt cho “bữa tiệc hội nhập” EVFTA hay các Hiệp định khác, “kiềng 3 chân” cần được gia cố theo Chủ tịch VCCI là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cải cách thể chế vẫn có thể được làm tốt hơn trong thời gian qua, liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh khi sử dụng những tiêu chuẩn cao.

Nguồn nhân lực đang dần được cải thiện dù theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ được 3,79 điểm trên thang điểm 10 hay 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa qua đào tạo chuyên môn.

Đây được cho là cản trở lớn nhất trong quá trình đón làn sóng đầu tư chất lượng cao.

Và dù đang nhận được sự quan tâm trong quá trình thúc đẩy đầu tư phát triển công nghệ nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, trọng tâm trước mắt cần phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Vị này đề nghị Thủ tướng quyết định một chương trình quốc gia đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề để đáp ứng yêu câu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở dự báo sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam. Cùng với đó là đề Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy quá trình này.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, chi phí logistics trong tốp cao thế giới.

Điều này cần được quan tâm trong quá trình triển khai EVFTA như tập trung triển khai hiệu quả luật PPP, luật đầu tư công, ưu tiên trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt với các dự án đang triển khai dở dang cũng như dự án kết nối khu vực trọng điểm nông nghiệp, công nghiệp đến các cửa khẩu quốc tế.

EVFTA được kỳ vọng có thể tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội chơi với “người khổng lồ” từ đó nâng cấp nội lực và lớn mạnh hơn.

Thông qua các Hiệp hội, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị các doanh nghiệp cân nhắc thay đổi mô hình kinh, nâng cấp quản trị doanh nghiệp hướng tới chuẩn mục toàn cầu không chỉ về công nghệ mà còn về đội ngũ nhân sự, môi trường, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

“Phát triển bền vững là giấy thông hành quan trọng nhất cho doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn với thị trường EU nói riêng và toàn cầu nói chung”, ông Lộc nói.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuoc-do-hieu-qua-evfta-la-loi-ich-cua-doanh-nghiep-sieu-nho-va-smes-d127178.html