Thuốc hen suyễn omalizumab làm giảm bệnh hô hấp kịch phát do aspirin

Hiệu quả của omalizumab trong việc làm giảm sản xuất quá mức LTE4 sau khi uống aspirin, giảm các triệu chứng hô hấp trên và dưới nghiêm trọng, và giảm quá mẫn với aspirin đã được đánh giá trong một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc bệnh hô hấp kịch phát do aspirin.

Bệnh hô hấp kịch phát do aspirin (AERD) có các biểu hiện bao gồm hen phế quản, quá mẫn với aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác, viêm mũi họng mạn tính, kích hoạt dưỡng bào và tăng tổng hợp cysteinyl leukotrien (LTE) quá mức. Điều trị bằng corticosteroid toàn thân có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng tình trạng hen do mẫn cảm với aspirin có thể kéo dài trong suốt cuộc đời người bệnh mà không có thuốc điều trị khỏi bệnh.

TS. Masami Taniguchi và cộng sự từ Bệnh viện quốc gia Sagamihara, Kanagawa, Nhật Bản trước đó đã cho thấy điều trị bằng omalizumab, một loại kháng thể thường được dùng điều trị hen suyễn trong 12 tháng giúp làm giảm các triệu chứng đường hô hấp trên và dưới và giảm nồng độ LTE4 trong nước tiểu ở bệnh nhân mắc AERD. Trong nghiên cứu mới đây, hiệu quả của omalizumab trong việc làm giảm sản xuất quá mức LTE4 sau khi uống aspirin, giảm các triệu chứng hô hấp trên và dưới nghiêm trọng, và giảm quá mẫn với aspirin đã được đánh giá trong một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc AERD.

Omalizumab giúp làm giảm bệnh hô hấp kịch phát do aspirin.

Omalizumab giúp làm giảm bệnh hô hấp kịch phát do aspirin.

Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy so với giai đoạn dùng giả dược, sản xuất LTE4 sau khi uống aspirin đã giảm đáng kể khi dùng omalizumab. Nồng độ LTE4 nước tiểu đo tại mỗi thời điểm sau khi uống aspirin thấp hơn đáng kể ở giai đoạn dùng omalizumab so với giai đoạn dùng giả dược. Ngoài ra, khi dùng omalizumab, bệnh nhân có những cải thiện về các triệu chứng đường hô hấp và tất cả các chức năng hô hấp, ngoại trừ dung tích sống gắng sức và nồng độ NO trong khi thở ra.

Từ những phát hiện này, các tác giả kết luận rằng omalizumab có hiệu quả chống lại các yếu tố bệnh sinh chính của AERD và có tiềm năng trở thành một thuốc quan trọng trong điều trị AERD.

ThS.DS. Dương Khánh Linh

(medscape 4/2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-hen-suyen-omalizumab-lam-giam-benh-ho-hap-kich-phat-do-aspirin-n172488.html