Thuốc lá cực kỳ nguy hại với sức khỏe con người
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc lá thụ động.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, hướng dẫn người đàn ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sử dụng thuốc dạng hít để điều trị bệnh. Ảnh: H.Dung
Thuốc lá không chỉ có tác hại đối với người trực tiếp hút, mà với cả những người hít phải khói thuốc, đặc biệt là trẻ em.
Thấy bệnh mới sợ
Ông Đ.D.K. (54 tuổi, ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) có “thâm niên” hút thuốc lá đã hơn 20 năm. Mới đây, ông đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vì thường xuyên thấy khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, choáng, đau đầu, đặc biệt là những khi thời tiết thay đổi. Qua thăm khám và đo chức năng hô hấp, bác sĩ chẩn đoán ông K. bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ông K. cho hay, cách đây vài năm, ông có những triệu chứng trên nhưng với mức độ nhẹ hơn. Ông từng đi khám và được bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá. Nhưng phải mất gần 4 năm ông K. mới bỏ hẳn được thuốc. Nay nghe bác sĩ nói bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông K. mới thấy sợ và ân hận vì không bỏ thuốc lá sớm hơn.
Thông tin từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, mỗi năm, Việt Nam có hơn 84,5 ngàn ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18,8 ngàn ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Phần lớn những người tử vong thuộc độ tuổi lao động, dẫn đến mất mát lớn về nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho hay với các bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ thường xuyên nói với họ không có thuốc nào tốt bằng việc bỏ thuốc lá. Nhiều bệnh nhân thực sự quyết tâm đã bỏ được thuốc nhưng cũng có không ít bệnh nhân khi không có nhân viên y tế thì lén hút, thậm chí khi bị phát hiện còn phản ứng với nhân viên y tế. Những người này vì thế mà thường xuyên phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị khó thở.
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, trong thuốc lá có hơn 7 ngàn chất hóa học. Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm như: ung thư (không chỉ ung thư phổi, mà còn từ vùng mũi, hầu họng, miệng đến đại tràng, trực tràng), xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi, có thể phải đoạn chi. 95% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều do hút thuốc lá. Về hình thức bên ngoài, hút thuốc lá làm xấu da, thâm môi, hơi thở có mùi khó chịu.
Cực nguy hại với trẻ em
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, đối với người trưởng thành, khi cơ thể đã phát triển toàn diện, việc hút thuốc lá đã gây ra nhiều tác hại. Với trẻ em, hút thuốc lá còn nguy hại hơn nhiều vì phổi các em phát triển chưa hoàn thiện, sức chống chọi với các tác nhân gây bệnh từ thuốc lá chưa cao. Vì thế, trẻ có khả năng mắc bệnh sớm hơn và nặng hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu các em không thể làm việc, phải điều trị bệnh từ khi còn quá trẻ.
Hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; trẻ em dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng...
Trẻ em hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi. Một số triệu chứng thường gặp như: cảm lạnh, cúm, ho, có đờm, khó thở, viêm phổi. Nếu thường xuyên sống chung với khói thuốc lá, trẻ sẽ mắc bệnh hen suyễn và một số bệnh hô hấp mãn tính. Nicotine trong khói thuốc lá có thể dẫn đến các triệu chứng khó thở gây đột tử ở người trẻ.
Não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên nếu hít phải khói thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận, kỹ năng nhận thức cũng như suy giảm chức năng nhận thức, giảm trí nhớ, gặp các rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá.
Hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ bệnh hen suyễn, viêm tai giữa ở trẻ.