Thuốc lá điện tử: Nguy hại khôn lường đối với thanh, thiếu niên
Thuốc lá điện tử có chứa nicotin, là chất gây nghiện cao, có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên.
Khó cai nghiện
Mới đây, tại hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, đặc biệt là ma túy “núp bóng” thuốc lá gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe của thế hệ thanh, thiếu niên.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau, như: Vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son... Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng, có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây...), cùng những lời quảng cáo không gây hại, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập trường học. Tại Khánh Hòa chưa ghi nhận trường hợp học sinh phải đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử nhưng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong nước đã ghi nhận nhiều trường hợp.
Theo các chuyên gia, thuốc lá điện tử có hơn 20.000 hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotin quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác để sử dụng nên rất khó bị phát hiện, dẫn tới việc cai thuốc rất khó khăn, phải có quá trình điều trị kiên trì, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ cả về thuốc điều trị và liệu pháp tâm lý mới hi vọng thành công.
Nhiều tác hại
Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, nicotin có trong thuốc lá điện tử có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên, làm suy yếu sự trưởng thành của não bộ gây ra những hậu quả ngắn hạn và lâu dài. Trong đó, có rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Nguy cơ sử dụng đa chất trong thuốc lá điện tử hiện nay rất lớn, giới trẻ sa đà vào sẽ bị lệ thuộc. Trẻ từ 10 đến 15 tuổi não chưa hoàn thiện, hút thuốc lá điện tử thường xuyên và lâu dài dẫn đến cảm xúc trở nên rất bất ổn, khó từ chối các chất gây nghiện khác khi được mời sử dụng. Khi đó, các em rất dễ nghiện các chất gây nghiện khác. Do đó, nếu không kịp thời ngăn chặn thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có thể dẫn đến việc các em chuyển sang sử dụng thuốc lá về sau này và gặp phải những tác hại tiềm tàng trong tương lai.
Theo các bác sĩ, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm vấn nạn hút thuốc lá điện tử ở trẻ. Do đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như: Ho, hụt hơi, khó thở và thay đổi hành vi, có biểu hiện lo âu, cáu gắt; hay tìm thấy một số vật dụng lạ trong nhà xuất hiện dưới dạng ống cần cảnh giác con đã hút thuốc lá điện tử. Ngoài ra, thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ, nếu phụ huynh ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử… Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nêu trên cần sớm đưa trẻ đi khám để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Ngày 24-5-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 568 phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
C.ĐAN