Thuốc lá tác hại, nhưng vì sao không thể cấm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, đến năm 2025 sẽ vẫn còn 1,1 tỷ người hút thuốc lá điếu trên toàn cầu. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ cai nghiện thuốc lá thực tế rất thấp với khoảng 8% người hút thuốc lá có thể cai nghiện được thành công, nhưng trong đó lại có đến 90-95% người tái nghiện.
Người nghiện thuốc lá không chỉ nghiện nicotin, mà họ còn nghiện hành vi cầm, đốt và rít thuốc. Chính vì vậy, việc cấm bán hoặc cấm sản xuất thuốc lá là không khả thi. Vì làm như vậy chỉ tạo cơ hội cho các nguồn hàng buôn lậu, bất hợp pháp với giá thành sản phẩm rẻ mạt và tồn tại nhiều rủi ro, nguy cơ cho sức khỏe.
Do đó để kiểm soát tác hại thuốc lá, một số tổ chức y tế uy tín trên thế giới gồm WHO và Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra các hướng dẫn quy định quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá, đưa ra khuyến cáo về tác hại của các loại thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hướng dẫn quy định ngăn ngừa khả năng tiếp cận sớm của giới trẻ với thuốc lá.
Tại Việt Nam, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua từ 2012, đến nay đã góp phần quan trọng trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và kiểm soát các nguồn cung thuốc lá. Tuy nhiên, với sự nổi lên các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trong những năm gần đây, thì rõ ràng luật vẫn chưa được cập nhật và hoàn thiện kịp thời. Tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, điển hình là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Loại bỏ hoàn toàn quy trình đốt cháy và tạo khói (nguyên nhân chính gây ra các bệnh do hút thuốc lá), thuốc lá thế hệ mới có cơ chế vận hành hoàn toàn khác biệt so với thuốc lá điếu, cigar hoặc thuốc lào, đang gây nhiều bối rối cho các cơ quan quản lý nước ta. Thực tế, đây cũng là tình hình chung của nhiều nước trên thế giới trong công tác quản lý thuốc lá thế hệ mới, nhất là trong giai đoạn đầu. Hiện tại có nhiều quan điểm khác nhau trong việc quản lý các sản phẩm này: cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, cấm một loại sản phẩm riêng biệt (ví dụ như thuốc lá điện tử), cho phép bán nhưng tăng cường kiểm soát, cho phép tiêu dùng như sản phẩm tiêu dùng thông thường, hoặc thậm chí được cơ quan y tế quốc gia khuyến khích chuyển đổi sử dụng từ thuốc lá điếu thông thường sang thuốc lá thế hệ mới (ví dụ như tại Anh quốc). Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại có 8 quốc gia cấm tất cả các loại thuốc lá thế hệ mới nói chung; nhưng cũng đã có 57 nước chấp nhận thuốc lá làm nóng như biện pháp giảm thiểu tác hại cho những người hút thuốc lá trưởng thành muốn tiếp tục hút thuốc. Với những nước cho phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới, dữ liệu cho thấy các sản phẩm này đang đóng góp vào việc giảm thiểu tiêu thụ của thuốc lá điếu lên sức khỏe cộng đồng. Đơn cử như ở Nhật Bản có sự sụt giảm thuốc lá điếu bắt đầu từ năm 2016 tương ứng với thời gian sản phẩm thuốc lá làm nóng được đưa vào thị trường này. Tương tự, dữ liệu về sự giảm tiêu thụ thuốc lá điếu tại thị trường New Zealand cũng đang được ghi nhận. TS. George Laking, bác sĩ chuyên khoa ung thư và cũng là Chủ tịch của tổ chức End Smoking New Zealand cho biết, việc cung cấp cho những người nghiện thuốc lá nặng một giải pháp thay thế như miếng dán và kẹo ngậm nicotine, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cũng là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá điếu.
Trong nước, trong lúc các cơ quan chức năng còn chưa ngã ngũ về chính sách quản lý, thì thuốc lá thế hệ mới đang trở thành “món mồi” ngon cho các tay buôn lậu và bán hàng bất hợp pháp. Người dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm thiểu tác hại thì thấp thỏm lo âu với chất lượng sản phẩm và tình trạng giá cả “nhảy múa” không kiểm soát. Nhà nước thì mất đi nguồn thu đáng kể.
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Như vậy, khung hành lang pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không chỉ là tuân theo Công ước khung FCTC của WHO mà còn là sự phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuoc-la-tac-hai-nhung-vi-sao-khong-the-cam-143870.html