Thuốc lá thế hệ mới - Cần sớm được kiểm soát

Ngày 5/7, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hội thảo 'Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm', với sự tham dự của nhiều đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thành Trung - Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp và có 2 cuộc làm việc chính thức để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 67. Trong đó có đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới theo chỉ đạo của Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh thuốc lá.

“Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế”, ông Trung cho biết.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Cũng theo ông Trung, các tài liệu của WHO đã công nhận sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác và đưa ra khuyến cáo các quốc gia nên quản lý sản phẩm theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC). Đồng thời năm 2020, WHO tiếp tục ghi nhận trong tài liệu thông tin về thuốc lá làm nóng rằng thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá nên là sản phẩm thuốc lá.

Theo ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, thuốc lá làm nóng bao gồm các điếu thuốc ngắn và dùng thiết bị điện tử để làm nóng tạo ra nicotine, còn thuốc lá điện tử chỉ chứa dung dịch, dễ có khả năng bị trộn lẫn nhiều chất vào.

Theo khuyến nghị của WHO, thuốc lá làm nóng cần quản lý theo luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu thông thường. Đó là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012. Xét trên góc độ luật trong nước, luật cũng đã nêu rõ đối với các sản phẩm chứa thuốc lá thì cần chịu sự kiểm soát dưới luật. Ngoài Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, còn có Luật Đầu tư 2020, Nghị định 67/2013 làm căn cứ pháp lý phục vụ cho việc quản lý thuốc lá làm nóng.

Ông Lê Thành Hưng phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Thành Hưng phát biểu tại hội thảo.

Liên quan đến các tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, VSQI, Bộ Khoa học - Công nghệ nhắc lại 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành năm 2020, và 4 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi, trong đó có thuốc lá điện tử. Theo ông Hưng đến tháng 7/2021, đã có 184/195 quốc gia thành viên của WHO đưa mặt hàng thuốc lá làm nóng vào quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá (hoặc sản phẩm khác) theo luật hiện hành.

Dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: “Nếu đã đặt mục tiêu con người trên lợi ích thì chúng ta cần sớm bàn đến hướng triển khai làm sao để hệ thống quản lý đạt mục tiêu này. Nếu Luật hiện hành đã bao hàm thì tận dụng luật và tăng mức độ xử phạt để tăng tính nghiêm minh, đồng thời kiểm soát nguồn cung để làm sao thuốc lá mới đừng bán đại trà như thuốc lá điếu.

Chúng ta cũng ngăn chặn nguồn cầu từ giới trẻ, mềm mỏng thì bằng biện pháp tuyên truyền, cứng rắn thì áp dụng hình thức xử phạt nhằm cảnh báo đến phụ huynh, nhà trường. Đồng thời, cần làm thế nào để giám sát các bên cung cấp, các nguồn cung sản phẩm kinh doanh có trách nhiệm, áp đặt những nguyên tắc ngăn chặn việc tiếp cận sai đối tượng”.

Cũng đề cập đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho rằng, người hút thuốc lá cần có quyền tiếp cận với các loại thuốc lá thế hệ mới, giảm thiểu tác hại, do đó Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách quản lý phù hợp.

Nhiều đại diện các Bộ, ngành cùng cho rằng, việc đưa các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm, mà thay vào đó, mục tiêu chính là để kiềm chế sự lan rộng các sản phẩm này bằng hàng rào pháp lý trên cơ sở bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuoc-la-the-he-moi-can-som-duoc-kiem-soat-157895.html