Thuốc lá thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thuốc lá là thủ phạm gây nên nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người và cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại bệnh trở nên trầm trọng hơn, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một bệnh lý đường hô hấp mạn tính, không lây lan nhưng đang có chiều hướng gia tăng.
COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong vì căn bệnh này đang có chiều hướng gia tăng. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh COPD và làm cho hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Hiện nay, COPD là căn bệnh khá phổ biến và tỷ lệ nhập viện điều trị tăng cao do yếu tố nguy cơ tăng cộng với việc tăng tuổi thọ. Chi phí điều trị COPD khá cao và vì là bệnh không thể điều trị dứt mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh nên bệnh nhân phải sử dụng thuốc suốt đời.
Bác sĩ CKII Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, số lần nhập viện của người mắc COPD tăng dần theo thời gian và chi phí điều trị bệnh cũng liên tục tăng theo diễn tiến của bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, đặc điểm của COPD là bệnh thường xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng có thể tăng nguy cơ COPD.
Số liệu thống kê của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống COPD cho thấy, 80% đến 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Hiện nay, việc chẩn đoán COPD được thực hiện không quá khó đối với các bệnh viện có chuyên khoa về hô hấp. Với thiết bị máy đo hô hấp sẽ giúp xác định phổi có bị tắc nghẽn hay không và mức độ tắc nghẽn như thế nào để có hướng điều trị phù hợp.