Thuốc lá và những tác hại đối với người cao tuổi

Ở mỗi gia đình, người cao tuổi (NCT) luôn có vai trò quan trọng trong việc gương mẫu, tuyên truyền, vận động con, cháu sống khỏe mạnh, có ích cho xã hội, trong đó có việc phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Không chỉ gương mẫu trong việc không hút thuốc, tự nguyện bỏ thuốc, NCT còn tích cực vận động, tuyên truyền con, cháu, người thân không hút thuốc lá, giám sát, nhắc nhở các hành vi hút thuốc không đúng nơi quy định.

 Người già thường mắc các bệnh về phổi do hút thuốc lá - Ảnh: T.L

Người già thường mắc các bệnh về phổi do hút thuốc lá - Ảnh: T.L

Bước qua tuổi 80, từ một người nghiện thuốc lá, cụ N.V.B., xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh đã bỏ hút thuốc lá và trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động con cháu từ bỏ thuốc lá. Cụ kể, bản thân gần 50 năm gắn bó với thuốc lá, nhưng cuối cùng cụ cũng chấp nhận từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Sau khi bỏ thuốc lá, sức khỏe cụ được cải thiện đáng kể, những cơn đau co thắt ngực và ho giảm dần, sức khỏe đã có nhiều chuyển biến tốt. “Nhận thấy những lợi ích rõ rệt của việc không hút thuốc lá đối với sức khỏe nên sau khi bỏ thuốc, tôi đã khuyên răn các con, cháu trong gia đình từ bỏ thuốc lá, động viên những người xung quanh nên bỏ hút thuốc vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng”, cụ B. phấn khởi cho biết.

Ông N.S., xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cũng mắc các bệnh liên quan đến phổi sau một thời gian dài hút thuốc lá. “Tôi hút thuốc được hơn 20 năm. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết rõ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhưng vì hút thuốc lá đã trở thành một thói quen hằng ngày nên tôi không có ý định từ bỏ. Cho đến những năm gần đây thấy trong cơ thể thường xuyên mệt mỏi, khó thở, ho nhiều, tôi đến cơ sở y tế, các bác sĩ thăm khám rồi kết luận bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh là do hút thuốc lá trong thời gian dài. Tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá để điều trị bệnh, đến nay sức khỏe tôi đã ổn định. Từ bài học của bản thân về tác hại của thuốc lá, tôi đã nhiệt tình khuyên nhũ bạn bè, anh em và con cháu trong gia đình từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe. Thay vì hút thuốc lá, hiện nay tôi đã tìm được niềm vui mới bằng cách vận động, tập thể dục nhiều hơn, trồng và chăm sóc cây cảnh vừa tạo cảnh quan đẹp đẽ, thoáng mát, đồng thời, góp phần xây dựng môi trường trong lành không khói thuốc ngay từ trong gia đình”, ông S. cho hay.

Thuốc lá có rất nhiều tác hại đối với cơ thể con người, nhất là đối với NCT, việc hút thuốc lá sẽ tác động trực tiếp đến quá trình lão hóa và rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thành phần nicotine kết hợp với các hóa chất trong thuốc lá mang lại cảm giác hưng phấn cho người hút thuốc, nhưng những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe NCT là rất lớn. Sự tác động của các hóa chất có trong thuốc lá lên não bộ của NCT khiến tuần hoàn máu kém hơn bình thường, đôi khi nó kiểm soát toàn bộ hệ thống não bộ, vượt ra khỏi sự kiểm soát thông thường, gây đãng trí, mất trí. Tác hại của thuốc lá đối với NCT còn được nhận biết qua tình trạng đau tim, đột quỵ, xơ vữa các động mạch, do hệ thống mạch máu dễ bị ách tắc, cộng với quá trình lão hóa, nguy cơ bệnh tật cũng vì thế mà tăng cao hơn. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về tỉ lệ NCT mắc các bệnh phế quản, phổi... do thuốc lá gây ra nhưng rất nhiều NCT đã mắc phải những loại bệnh này đang điều trị tại các bệnh viện đều có quãng thời gian dài hút thuốc lá.

Hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao). Có nhiều nghiên cứu về sự liên quan giữa sử dụng thuốc lá và ung thư đã được tiến hành, các nghiên cứu này ước tính rằng khoảng 1/3 trong tổng số người chết vì ung thư liên quan tới sử dụng thuốc lá và trong số đó có xấp xỉ 90% người chết vì ung thư phổi; hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, bàng quang, ruột, trực tràng…Mức độ nguy cơ sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hằng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm. Thời gian hút thuốc lá cũng rất quan trọng, thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, khói thuốc lá chứa hàng nghìn loại hóa chất, trong đó, có hơn 200 chất độc hại và các chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine. Khi hít vào phổi, khói thuốc làm giảm hệ miễn dịch, gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở cả người hút trực tiếp và người hút thụ động. NCT là 1 trong 3 đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc lá. Do vậy, việc PCTHTL chính là bảo vệ sức khỏe bản thân khi về già, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, NCT hút thuốc lá trong gia đình cũng mang lại hình ảnh không đẹp, bất lợi trong việc giáo dục con cháu. Do vậy, việc thực hiện tốt công tác PCTHTL sẽ giúp nâng cao sức khỏe cho NCT, đồng thời với uy tín của mình, mỗi NCT sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường không khói thuốc.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162927&title=thuoc-la-va-nhung-tac-hai-doi-voi-nguoi-cao-tuoi