Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp và những lưu ý đối với bệnh nhân
Thuốc lợi tiểu là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp cần hết sức thận trọng để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc và hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Nội dung:
1. Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp như thế nào?
2. Sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp như thế nào?
3. Các nhóm thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp thường dùng hiện nay
4. Chống chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu
5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp
Nhóm thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp là nhóm thuốc được sử dụng rất phổ biến. Thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng cho cả các trường hợp cần hạ huyết áp nhanh chóng như tăng huyết áp cấp cứu hay tăng huyết áp khẩn cấp, nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho các trường hợp sử dụng lâu dài để ổn định huyết áp hằng ngày.
1. Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Việc sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp chủ yếu dựa trên cơ chế chính là giảm khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch dưới tác dụng của thuốc lợi tiểu, từ đó làm hạ huyết áp cho bệnh nhân.
Nói cụ thể hơn, trong cơ thể của chúng ta thận có chức năng lọc máu để đào thải các chất ra khỏi cơ thể, đơn vị chức năng của thận thực hiện nhiệm vụ này là các tiểu cầu thận. Sau khi máu được lọc ra khỏi các tiểu cầu thận sẽ tạo thành dịch lọc cầu thận, dịch lọc cầu thận này di chuyển qua các cấu trúc như ống lượn gần, quai Heinle, ống lượn xa,... Trong quá trình di chuyển thì dịch lọc cầu thận này sẽ được tái hấp thu phần lớn trở lại lòng mạch (khoảng 98-99%) và chỉ còn một số ít được đào thải ra ngoài là nước tiểu thật sự.
Thuốc lợi tiểu khi sử dụng sẽ có tác động vào cơ chế tái hấp thu của thận tại các cấu trúc như ống lượn gần, quai Heinle, ống lượn xa,... làm giảm đi quá trình tái hấp thu khiến dịch lọc cầu thận được tái hấp thu ít hơn và đào thải nhiều nước tiểu thực sự hơn ra môi trường. Kết quả của việc sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp này là khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch bị giảm đi, dẫn đến giảm áp lực trong lòng mạch nên làm huyết áp của bệnh nhân hạ thấp.
2. Sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Đối với các bệnh nhân bị tăng huyết áp độ 1, có nguy cơ tim mạch thấp và trên 60 tuổi thì bác sĩ thường sẽ lựa chọn thuốc lợi tiểu Thiazid làm lựa chọn đầu tay để điều trị cho bệnh nhân.
Bạn có thể cần biết những thông tin liên quan tới Phương pháp điều trị cao huyết áp nhẹ (độ 1), ưu tiên thay đổi lối sống và ăn uống.
Còn đối với các bệnh nhân tăng huyết áp độ 2 trở lên hoặc tăng huyết áp độ 1 nhưng có nguy cơ tim mạch cao thì bệnh nhân có thể được cho sử dụng phối hợp thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp với một nhóm thuốc khác như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể hoặc thuốc chẹn kênh Calci.
Khi bệnh nhân không đáp ứng với việc sử dụng 2 thuốc hạ huyết áp thì có thể sử dụng 3 thuốc hạ huyết áp cùng lúc cho bệnh nhân, tuy nhiên trong số 3 thuốc này vẫn nên có một thuốc thuộc nhóm lợi tiểu và ưu tiên sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazid.
Trong trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp cấp cứu hoặc tăng huyết áp khẩn cấp nên lựa chọn thuốc lợi tiểu quai để sử dụng, có thể sử dụng thuốc lợi tiểu quai đường tĩnh mạch để hạ huyết áp nhanh. Còn nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp kháng trị thì có thể xem xét sử dụng lợi tiểu kháng Aldosterol để điều trị.
3. Các nhóm thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp thường dùng hiện nay
Có nhiều nhóm thuốc lợi tiểu khác nhau trên thực tế, tùy thuộc vào khả năng lợi tiểu và thời gian khởi phát cũng như duy trì tác dụng mà chúng có thể được sử dụng cho các trường hợp tăng huyết áp khác nhau.
3.1. Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp nhóm Thiazid
Là loại lợi tiểu được sử dụng rất phổ biến và là sự lựa chọn đầu tay trong nhiều trường hợp điều trị tăng huyết áp. Lợi tiểu Thiazid tác động chủ yếu nhờ vào sự ức chế tái hấp thu ion Natri và ion Clo từ đó làm tăng áp suất thẩm thấu của dịch lọc cầu thận nên giữ nước ở dịch lọc và tăng đào thải nước tiểu. Do thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp nhóm Thiazid làm tăng hoạt động đào thải Kali nên nó còn được xếp vào nhóm lợi tiểu mất Kali.
Ngoài ra, bởi thuốc cần khoảng thời gian từ 1-2 tiếng sau khi sử dụng để phát huy tác dụng và có thể kéo dài hiệu quả đến 16-24h, vì thế thuốc lợi tiểu Thiazid thường được sử dụng để kiểm soát tăng huyết áp hàng ngày.
Những thuốc thuộc nhóm lợi tiểu Thiazid thường dùng trong điều trị tăng huyết áp hiện nay kể đến như Indapamid, Hydrochlothiazid, Chlorothiazid, Methylchlothiazid,...
3.2. Thuốc lợi tiểu quai
Thuốc lợi tiểu quai có tác dụng lợi tiểu dựa trên cơ chế ức chế sự tái hấp thu ion Natri, Kali, clo ở nhánh lên của quai Heinle. Do tác dụng lợi tiểu nhanh và mạnh, do đó thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp nhóm lợi tiểu quai thường được sử dụng trong các trường hợp cần có hiệu quả nhanh chóng như cơn tăng huyết áp cấp cứu, cơn tăng huyết áp khẩn cấp,... ít khi được sử dụng để kiểm soát huyết áp hằng ngày.
Những thuốc lợi tiểu thuộc nhóm này thường được sử dụng nhất trên thực tế bao gồm Furosemid và Bumetanid,...
3.3. Thuốc kháng aldosterol
Thuốc đối kháng với Aldosterol cũng là một thuốc thuộc nhóm lợi tiểu điều trị tăng huyết áp được sử dụng rất thường xuyên trên thực tế. Cơ chế tác dụng của nhóm lợi tiểu này là tranh chấp với tác dụng của Aldosterol trên receptor của nó dẫn đến aldosterol không thực hiện được chức năng giữ muối nước của nó, làm giảm tái hấp thu Natri và giảm thải Kali. Vì vậy nó còn được biết đến là thuốc lợi tiểu giữ Kali.
Loại lợi tiểu điều trị tăng huyết áp này thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp đã kháng với các phương pháp điều trị thông thường, hay còn gọi là tăng huyết áp kháng trị. Các đại diện hay sử dụng của nhóm kể đến như Spironolacton, Eplerenon
4. Chống chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu
Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp có thể gây nên nhiều nguy hiểm. Do đó, cần lưu ý một số chống chỉ định của thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp như:
- Bệnh nhân bí tiểu do nguyên nhân cơ học chẳng hạn u tuyến tiền liệt, u niệu đạo, sỏi đường tiết niệu,...
- Bệnh nhân có tiền sử mất nước khi sử dụng các thuốc lợi tiểu.
- Bệnh nhân suy thận không nên sử dụng lợi tiểu Thiazid và lợi tiểu kháng Aldosterol.
- Không nên sử dụng thuốc lợi tiểu ở phụ nữ có thai vì có thể gây thiểu ối.
- Không sử dụng thuốc lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu Thiazid cho bệnh nhân hạ Kali máu.
- Bất kỳ trường hợp nào mẫn cảm hoặc dị ứng với các thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp đã được ghi nhận trước đó.
5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp
Trong quá trình sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân có thể có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ khác nhau. Những tác dụng phụ này có thể thay đổi mức độ từ nhẹ cho đến nặng hay thậm chí nghiêm trọng và cần phải được can thiệp ngay. Chính vì thế nắm được tác dụng phụ khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho quá trình điều trị.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp kể đến như:
- Đi tiểu quá nhiều lần: Dưới tác dụng của thuốc lợi tiểu, lượng nước tiểu của bệnh nhân nhiều hơn nên sẽ phải đi tiểu nhiều lần hơn. Không ít các bệnh nhân than phiền về việc mình phải đi tiểu quá nhiều lần sau khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp. Trường hợp đi tiểu quá nhiều có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng (khát nước nhiều, khô môi, khô miệng, nước tiểu vàng sậm,...) thì người bệnh nên gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.
- Rối loạn điện giải: Rối loạn điện giải rất thường xảy ra khi sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp. Sự mất đi các chất điện giải như Natri, Kali,... có thể gây nên tình trạng uể oải, buồn nôn, chuột rút, hay rối loạn nhịp tim (do hạ Kali),...
- Tăng nguy cơ bị bệnh gout: Giảm đào thải acid uric khi sử dụng thuốc lợi tiểu khiến chúng dễ tích tụ trong cơ thể và gây bệnh Gout cho người bệnh.
- Suy giảm chức năng thận: Một số loại lợi tiểu như lợi tiểu kháng Aldosterol có thể gây suy giảm chức năng thận, đặc biệt là khi sử dụng phối hợp với thuốc ức chế men chuyển và các thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp khác.
Bên cạnh đó, thuốc lợi tiểu Thiazid còn làm tăng nguy cơ xuất hiện đái tháo đường mới và khó kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường hơn.
Trên đây giới thiệu về một số thông tin cơ bản mà bệnh nhân cần biết về việc sử dụng thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khi sử dụng thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được giải đáp chính xác và kịp thời nhất.