Thuốc nam trị bệnh tiêu hóa thường gặp mùa mưa lũ

Bệnh tiêu hóa liên quan đến mưa lũ thường là tiêu chảy do các tác nhân hàn, nhiệt, thấp, độc… Theo y học cổ truyền, tiêu chảy thuộc chứng tiết tả.

1. Tiêu chảy do hàn thấp là bệnh tiêu hóa thường gặp mùa mưa lũ

- Nguyên nhân thường do nhiễm lạnh: Gió, bão, mưa, lụt có thể gây nhiễm lạnh nếu tiếp xúc, dẫn đến tiêu chảy.

- Triệu chứng: Đau đầu, đau người, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng dày, tiểu tiện ít, mạch nhu hoãn hoặc phù hoãn.

- Pháp điều trị: Giải biểu, tán hàn, ôn trung, táo thấp, phương hương hóa trọc.

- Phương thuốc:

+ Bài 1: Sa nhân 8g, rau má sao 10g, hoắc hương 8g, hương phụ 8g, bạch biển đậu 12g, xa tiền tử 8g, gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 2: Hoắc hương 12g, sa nhân 8g, nam mộc hương 8g, trần bì 8g, nam hậu phác 10g, hương phụ 8g, hạt vải 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 3: Hoắc hương 40g, hậu phác 12g, tô diệp 10g, trần bì 6g, cát cánh 10g, gừng 4g, bạch chỉ 10g, đại táo 12g, đại phúc bì 12g, bạch truật 10g, phục linh 8g, bán hạ chế 6g, cam thảo 6g. Tán bột, ngày uống 16 – 20g.

- Châm cứu: Châm tả các huyệt thiên khu, trung quản, hợp cốc, túc tam lý.

Hoắc hương vị thuốc nam trị bệnh tiêu hóa.

Hoắc hương vị thuốc nam trị bệnh tiêu hóa.

2. Tiêu chảy do thấp nhiệt

- Nguyên nhân do nhiễm trùng các vi sinh vật.

- Triệu chứng: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, phân sống có mùi khó chịu, rát hậu môn, rêu lười vàng dày, tiểu tiện ít đỏ, mạch sác.

- Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, phương hương quá trọc.

- Phương thuốc:

+ Bài 1: Bạch biển đậu 20g, sa nhân 12g, thảo quả 12g, ô mai 12g, cát căn 12g, cam thảo 6g. Tán bột, làm thành viên, mỗi ngày uống 20g với nước chè đặc.

+ Bài 2: Cát căn 12g, kim ngân hoa 12g, mã đề 10g, rau má sao 12g, cam thảo dây 10g, hậu phác 12g, hoàng liên 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

+ Bài 3 - Cát căn cầm liên thang gia giảm: Cát căn 12g, hoàng liên 8g, hoàng cầm 12g, nhân trần 20g, kim ngân hoa 16g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Châm cứu: Châm tả các huyệt thiên khu, trung quản, hợp cốc, túc tam lý, nội đình, âm lăng tuyền.

3. Kiết lỵ cấp tính do thấp nhiệt

Nguyên nhân do nhiễm amip cấp tính, phân có nhày máu nên gọi là xích bạch lỵ.

- Triệu chứng: Đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện ra nhày máu, sốt, sợ lạnh, mạch hoạt sác hoặc nhu sác, miệng khô đắng dính, tiểu tiện ngắn - đỏ.

- Pháp điều trị: Thanh nhiệt táo thấp, hành khí hoạt huyết.

- Phương thuốc:

+ Bài 1 - Viên khổ luyện đại hoàng: Khổ luyện tử 20g, hoàng liên gai 20g, hạt dưa hấu 20g, bồ kết 20g, binh lang 20g, đại hoàng 20g. Tán bột, ngày uống 20g chia 2 lần.

+ Bài 2: Hoàng cầm 12g, hoàng liên 12g, bạch thược 8g, đương quy 8g, mộc hương 6g, binh lang 6g, cam thảo 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Châm cứu: Châm tả các huyệt trung quản, thiên khu, đại hoành, đại trường du, túc tam lý, hợp cốc, phục lưu, nội đình, công tôn.

4. Kiết lỵ do hàn thấp

Lỵ amip bán cấp, phân nhiều chất nhày, ít máu, gọi là bạch lỵ.

- Triệu chứng: Đại tiện ra nhày nhiều, máu ít, bụng đau liên miên, mót rặn, rêu lưỡi trắng dày, mạch nhu hoãn.

- Pháp điều trị: Ôn trung hóa thấp, kiện tỳ, hành khí.

- Phương thuốc - Bất hoàn kim chính thang gồm: Hậu phác 6g, trần bì 6g, mộc hương 6g, sa nhân 6g, hoắc hương 8g, nhục quế 4g, thương truật 12g, bán hạ chế 8g, đại táo 12g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Châm cứu: Châm bổ các huyệt thiên khu, trung quản, đại hoành, tỳ du, túc tam lý, tam âm giao.

5. Kiết lỵ do dịch độc

Lỵ do trực trùng với biểu hiện đại tiện ra máu nhiều, gọi là xích lỵ.

- Triệu chứng: Phát ra đột ngột, cấp tính, đại tiện ra máu nhiều, sốt cao, vật vã, rêu lưỡi vàng dày, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Nếu nặng có thể hôn mê, co giật, trụy mạch (cần cấp cứu theo y học hiện đại).

- Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc (nếu nặng cần phải cấp cứu theo y học hiện đại)

- Phương thuốc:

+ Bài 1: Rau sam 400g, hạt cau 400g, lá mơ lông 100g, củ phượng vĩ 100g, cỏ sữa lá nhỏ 400g. Tán ra dùng 20g mỗi ngày.

+ Bài 2: Phèn đen 20g, nam mộc hương 10g, củ phượng vĩ 20g. Sao đen, sắc đặc, uống ngày 1 thang.

+ Bài 3: Cỏ nhọ nồi 50g, chỉ xác 20g, rau sam 40g, hạt cau 20g, trắc bách diệp 20g, nam mộc hương 20g, hoa hòe 20g. Tán bột, ngày dùng 20g uống với nước vối.

+ Bài 4 -Bạch đầu ông thang gia giảm: Bạch đầu ông 40g, trần bì 12g, hoàng liên 4g, hoàng bá 12g, đan bì 12g, kim ngân hoa 12g, địa du 20g, xích thược 12g, chỉ xác 8g, mộc hương 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Châm cứu: Châm tả các huyệt khúc trì, hợp cốc, thượng cự hư, túc tam lý, nội đình, đại hoành.

Lưu ý, đối với các trường hợp tiêu chảy, việc quan trọng nhất là cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Đối với các trường hợp tiêu chảy, kiệt lỵ nặng cần cấp cứu theo y học hiện đại...

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nam-tri-benh-tieu-hoa-thuong-gap-mua-mua-lu-169240912143646453.htm