'Thuốc' nào trị 'bệnh content bất chấp'?

Chưa biết từ khi nào, một số người luôn tự đặt áp lực lên bản thân để trở thành nhân vật nổi tiếng, thu hút sự chú ý thông qua việc tạo nội dung và bắt trend, bất chấp những hệ quả tiêu cực mà nó có thể mang lại. Những clip câu view trái thuần phong mĩ tục cần được kiểm soát và xử lý nghiêm để tránh mang lại hậu quả xấu cho xã hội.

1. Mới đây nhất, mạng xã hội được một phen dậy sóng khi tài khoản Facebook “Hiền Nguyễn” có tới 27.000 lượt theo dõi, tự giới thiệu là “Chủ tịch sáng lập công ty mỹ phẩm Nusee Group” đăng tải những dòng trạng thái và hình ảnh về... đám tang của mình.

Cô thản nhiên chia sẻ: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ở cái độ tuổi còn mơ mộng, tôi luôn tưởng tượng về cái chết và khi đó tôi rất sợ sẽ có ngày mình phải chết. Ngày đó, tôi luôn cho rằng cuộc sống phồn hoa này nó đẹp đẽ như vậy, tại sao sẽ có ngày tôi phải nằm dưới nấm mồ sâu cô đơn, hiu quạnh. Và, thế là ở cái thời còn ăn bám cha mẹ, lúc nào tôi cũng sợ chết”.

Trạng thái của “Hiền Nguyễn” được đăng tải sau khi tự tổ chức đám tang cho mình.

Trạng thái của “Hiền Nguyễn” được đăng tải sau khi tự tổ chức đám tang cho mình.

Vì thế, cô gái này đã tự tay chuẩn bị... đám tang của mình, nằm trong quan tài và trải nghiệm cái chết. “Tôi đã tự tay chuẩn bị đám tang của mình, tôi nằm trong quan tài trải nghiệm cái chết. Xung quanh tôi, anh em và gia đình gào thét thảm thiết, khói hương nghi ngút, tiếng kèn trống vang vọng ai oán từng hồi. Còn tôi, nằm trong quan tài thật thư thái và thoải mái”, tài khoản “Hiền Nguyễn” đăng tải.

Sau khi trạng thái này được đăng tải, cô gái này nhận được rất nhiều phản ứng của cộng đồng mạng. Họ cho rằng đây là một trò lố lăng, câu view bẩn. Nhiều người còn kêu gọi cơ quan chức năng xử lý chủ nhân tài khoản này.

Câu chuyện về "Nàng Mơ" và "Ông Bố Điên" cũng đang thu hút rất nhiều sự bàn luận, quan tâm của những người chơi mạng xã hội. Cùng với Lộc, anh trai "Nàng Mơ", ba bố con nhà này được cộng đồng mạng cho rằng họ đã làm những clip mang nội dung gây sốc, phản cảm và gây tranh cãi kịch liệt.

Cụ thể, gia đình của cặp anh em "Tớ Là Lộc" (tên thật: Lê Xuân Lộc, SN 2000) và "Nàng Mơ" (tên thật: Lê Minh Trà My, SN 2006) cùng "Ông Bố Điên" nổi lên trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Bởi, thông qua nhiều clip do thành viên trong gia đình đăng tải thì cả Lộc và ông Lê Hồng Kiên (biệt danh: "Ông Bố Điên") thường có những hành động được cho là thân thiết quá mức với con gái/em gái, đó là "Nàng Mơ".

“Ông Bố Điên” và “Nàng Mơ”.

“Ông Bố Điên” và “Nàng Mơ”.

Trên trang cá nhân của ông Kiên xuất hiện một bức hình nhạy cảm được cư dân mạng cho là do chính ông vẽ "Nàng Mơ". Nhiều dân mạng soi ra bức tranh có nét giống "Nàng Mơ" khi nhân vật nữ trong tranh có mái tóc dài, gương mặt thon và dáng người gầy giống "Nàng Mơ". Bài đăng đã khiến ông Kiên nhận nhiều chỉ trích bởi hành động chỉ tay đầy phản cảm của ông Kiên. Tuy nhiên, tác giả của bức tranh là họa sĩ Nguyễn Đình Hợp để lại bình luận khẳng định bản quyền dưới bài viết của ông Kiên. Nam họa sĩ cũng mong có cơ hội giao lưu và gặp mặt với bố “Nàng Mơ”.

Mặc dù họa sĩ của bức tranh đã lên tiếng, song trên trang cá nhân của ông Kiên vẫn nhận về nhiều ý kiến không đồng tình về lời nói cũng như hành động mà ông bố này hành xử với con gái. Nhiều người chê trách khi ông Kiên có những hành động được cho là quá thân mật với "Nàng Mơ" như ôm hôn, nắm tay. Thậm chí, Lộc còn chia sẻ là đã phản đối khi bố đăng tải đoạn video bố nắm tay Mơ lên mạng xã hội. Về những hành động này, ông Kiên cho biết đây là cách để mình bù đắp những tổn thương trong quá khứ đã gây ra cho các con: "Trong quá khứ mình từng là người đàn ông có lỗi với các con và cả hai người vợ cũ lẫn mới. Mình chỉ khác những người đàn ông khác là biết nhận lỗi và sửa sai bằng mọi giá. Giờ mình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bản thân".

Bên cạnh đó, cách giao tiếp giữa ông Kiên và "Nàng Mơ" cũng nhận về "gạch đá" khi cô con gái gọi thẳng tên bố là "Anh Kiên" hay "Kiên ơi". Ông nêu quan điểm về cách xưng hô này: "Trong một gia đình các thành viên coi nhau như bạn, không có khoảng cách và kết nối chặt với nhau thì bị nhầm tưởng là láo. Dù ai nói ngả nói nghiêng thì người trong cuộc vẫn đang sống hạnh phúc với nhau".

Trước đó, Lộc cũng gây tranh cãi khi có những hành động được cho là trên mức anh em thân thiết với “Nàng Mơ”. Cặp anh em không ngần ngại ôm, nắm tay... ở nơi công cộng, khiến nhiều người lầm tưởng rằng Lộc và "Nàng Mơ" là người yêu của nhau.

2. Thời gian gần đây, mỗi khi xuất hiện một sự việc, hiện tượng được nhiều người quan tâm, không ít fanpage, hội nhóm, nhãn hàng đã đăng tải nội dung na ná nhau, rồi nhanh chóng lan truyền như một “xu hướng” rồi sau đó “kích hoạt chức năng kiếm tiền từ mạng xã hội”.

Vì những "content bất chấp", mục đích duy nhất là câu view, câu like, mà 6 đối tượng đã bị khởi tố trong vụ tung tin một cô gái ở Vĩnh Phúc có HIV kèm danh sách những người mà cô này quan hệ, khiến cộng đồng mạng được một phen náo loạn chỉ cách đây vài tuần. Đó là cái kết xứng đáng cho những kẻ làm nội dung bẩn.

Một tài khoản cũng đang khiến dư luận dành cho những lời bình luận ác cảm đó là "Chuyện xóm tôi". "Chuyện xóm tôi" không có gì khác ngoài những clip mang nội dung phản cảm, thô tục, chuyện ông này cặp với bà kia, bố chồng cặp với con dâu, làm xấu xa hình ảnh người vợ, người mẹ, người bà, người ông... nơi vùng quê vốn từ xưa đến nay được tiếng là yên bình, thuần khiết...

Có thể thấy, vấn đề làm "content bất chấp" trên mạng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận từ lâu. Việc xuất hiện nhiều nội dung tiêu cực, không phù hợp, thậm chí là nhạy cảm và thiếu văn hóa từ các TikToker và YouTuber đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng và mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích trong giải trí, học tập và kinh doanh. Tuy nhiên vì lợi ích, nhiều người đã sẵn sàng làm nội dung phản cảm, gây tranh cãi. Điều này đã không còn là vấn đề của cộng đồng mạng, mà còn là một “virus” tác động tiêu cực đến xã hội, đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận từ cộng đồng mạng, cơ quan quản lý và cả các nền tảng mạng xã hội.

Không có cách nào khác là người dùng cần nâng cao trách nhiệm với chính bản thân và xã hội, tích cực sử dụng tính năng "Báo cáo" khi phát hiện nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng mạng xã hội.

TS. Lê Quang Đăng, chuyên gia xã hội học, cho rằng không thể chấp nhận cách làm content “bẩn” để câu view như hiện nay. Nếu các nội dung được đăng tải một cách tùy tiện mà không có sự kiểm duyệt, thanh lọc kỹ càng sẽ gây ra tình trạng lan tỏa thông tin sai sự thật, bóp méo, hạ bệ danh tiếng cá nhân, tổ chức tập thể... Những đúng sai của các status thế nào, có phù hợp với thuần phong mỹ tục, pháp luật hay không đều phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.

“Từ những sự việc vừa qua, người sử dụng mạng xã hội cần nhìn nhận khách quan và kiểm chứng tính xác thực của thông tin một cách cẩn thận. Mỗi người dùng mạng xã hội đều cần phát huy vai trò và trách nhiệm để xây dựng một không gian số tích cực, lành mạnh; Chia sẻ thông tin có trách nhiệm và giữ cho mạng xã hội trở thành một “đầu cầu” thông tin chính xác, nhanh chóng sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng”, TS. Lê Quang Đăng cho biết.

Theo Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc đăng tải video có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu like, câu view có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng. Đồng thời, người đăng tải cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, bao gồm việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, trong trường hợp đăng tải nội dung nhạy cảm và xúc phạm, có thể áp dụng các biện pháp hình sự như quy định tại Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/thuoc-nao-tri-benh-content-bat-chap--i741663/