Thuốc PrEP có tác dụng phụ không?

Các bằng chứng khoa học trên thế giới đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Tuy nhiên một số khách hàng khi sử dụng thuốc PrEP vẫn băn khoăn liệu thuốc PrEP có tác dụng phụ không?

PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis ), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV.

Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như:

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)
Người chuyển giới
Người tiêm chích ma túy
Bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV
Hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.

Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

PrEP liệu có những tác dụng phụ nào không? Trả lời vấn đề này, ThS.BS Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam cho biết: "Thuốc PrEP dùng theo đường uống là an toàn, có rất ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ, nếu có, thường rất nhẹ và kết thúc nhanh, thường sẽ hết sau 2 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc".

ThS.BS Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam.

ThS.BS Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam.

Theo ThS.BS Hoàng Nam Thái, những tác dụng phụ hay gặp nhất là nhức đầu, buồn nôn, nôn, giảm cảm giác ngon miệng và nổi ban. Một số ít khách hàng sử dụng PrEP kéo dài có thể có tác dụng phụ với chức năng thận và xương. Vì vậy, những khách hàng suy thận không được khuyến cáo điều trị PrEP.

Những trường hợp giảm mật độ khoáng chất trong xương có thể khắc phục bằng tập thể dục và bổ sung khoáng chất, vitamin D.

Mới đây, Lực lượng đặc nhiệm dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USPSTF) cũng đã công bố các khuyến nghị mới về phòng ngừa HIV, mở rộng khả năng tiếp cận với PrEP. Khuyến nghị này được thông qua tháng 8 năm 2023. Khuyến nghị này nhấn mạnh rằng PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị PrEP để tăng cường hiệu quả dự phòng.

Khuyến nghị của lực lượng này cũng khẳng định thêm lần nữa rằng: PrEP có rất ít tác dụng phụ.

ThS.BS Hoàng Nam Thái cũng nhấn mạnh, các thành phần trong thuốc PrEP không gây lệ thuộc. Khách hàng có thể lựa chọn sử dụng PrEP khi nào họ còn có nguy cơ lây nhiễm HIV. Khi khách hàng không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, họ có thể lựa chọn ngừng sử dụng PrEP.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-prep-co-tac-dung-phu-khong-169231006103000123.htm