'Thuốc trị bệnh' quảng cáo nói bừa của một số người nổi tiếng

Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo đề xuất người có tầm ảnh hưởng phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm khi đăng tải ý kiến, quảng cáo...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại phần giải thích từ ngữ, dự luật bổ sung khái niệm "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Đây là người trực tiếp quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc hình thức tương tự.

Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gửi Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người nổi tiếng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo dự luật, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm; thu nhập từ hoạt động quảng cáo; nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm quảng cáo không bảo đảm yêu cầu; tự phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường.

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Người có ảnh hưởng (chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể) thực hiện quảng cáo thì có nghĩa vụ tuân thủ quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm, người quảng cáo phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Những nội dung trong dự luật nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bởi, trong thời gian qua tình trạng người có tầm ảnh hưởng quảng cáo bát nháo các sản phẩm thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến và chưa được ngăn chặn kịp thời. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Nguyễn Thanh Vân hay còn gọi là Vân Hugo. Khi quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ, Vân Hugo đã khiến nhiều người lầm tưởng sản phẩm có thể điều trị chứng chậm nói, tăng động giảm chú ý… Nữ diễn viên, mc này thường xuyên đăng tải các clip quảng cáo thổi phồng công dụng của các sản phẩm thực phẩm chức năng gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Việc siết chặt quy định này nhằm xác định trách nhiệm, đảm bảo sự trung thực, chính xác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.

Dư luận cho rằng, dự luật này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là "liều thuốc tốt" để trị bệnh nói bừa của một số người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, vẫn cần phải xây dựng những chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để đủ sức răn đe những người cố tình vi phạm…

Tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và trên phương tiện báo in, báo nói, báo hình. Dự luật cũng hướng đến phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về quảng cáo; đơn giản hóa thủ tục quảng cáo ngoài trời.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.

Đăng Khoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuoc-tri-benh-quang-cao-noi-bua-cua-mot-so-nguoi-noi-tieng-343847.html