Thuốc trị mề đay cấp ở trẻ em

Mề đay hay mày đay là một rối loạn phổ biến, ảnh hưởng tới 20% dân số thế giới vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ và không phân biệt lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng hay gặp hơn cả.

Mề đay thường có yếu tố khởi phát, các tác nhân gây mề đay thường gặp là: thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng hay các nhiễm trùng, lông súc vật, bụi... Vậy khi bị mề đay, cần dùng thuốc như thế nào?

Mề đay là một mảng gồ trên da, có bờ rõ ràng, màu hồng hay đỏ nhưng ở trung tâm mảng mề đay thì thường nhạt màu hay hơi trắng. Mề đay thường có hình tròn, hình ovan hay ngoằn ngoèo. Đặc biệt rất ngứa, ảnh hưởng tới công việc và học tập, ngứa nhiều hơn về đêm.

Nguyên nhân gây mề đay cấp ở trẻ

Nhiễm trùng (nhiễm virus hay vi khuẩn) chiếm 80% các trường hợp trong đó nhiễm virus hay gặp hơn vi khuẩn. Virus hay gặp nhất là Piconavirus, Coronavirus, virus hợp bào hô hấp và vài loại virus khác. Những mề đay mà khó trị với thuốc kháng dị ứng nhưng đáp ứng tốt với kháng sinh azithromycin thì thường liên quan với nhiễm khuẩn Mycoplasma Pneumoniae ở trẻ em. Mề đay cấp cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn tiền triệu của nhiễm viêm gan A, B; Cũng có thể là biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV - tuy nhiên hiếm; Nhiễm ký sinh trùng như giun lươn, sán chó, giun đũa; Do bị côn trùng cắn, đốt (ong, kiến, bọ...); mủ cao su (bóng bay, găng tay...); thực phẩm như sữa, trứng, đậu phộng, hạt trái cây, đậu nành, lúa mì; Do dùng thuốc: Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra dị ứng, nhưng kháng sinh nhóm betalactam (cephalexin, cefuroxim, cepodoxime...) là thuốc gây dị ứng cao hơn. Ngoài ra có những nguyên nhân ít gặp hơn cũng gây mề đay như thời tiết lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột...

Hình ảnh mề đay cấp ở trẻ em.

Hình ảnh mề đay cấp ở trẻ em.

Điều trị như thế nào?

Có đến 2/3 trường hợp mề đay cấp biến mất một cách tự nhiên mà không cần điều trị. Nên tập trung điều trị chứng ngứa và phù mạch nếu có.

Các thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin: Có thể dùng thế hệ 1 như chlopheniramin, dexchlophrniramin, diphenhydramine, hydroxyzine... Các tác dụng phụ hay gặp ở khi dùng thuốc kháng histamin H1 thế hệ cũ bao gồm: buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu... Nếu dùng liều quá cao có thể li bì, co giật. Do đó cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con dùng.

Kháng histamin H1 thế hệ mới như cetirizin, loratadine, fexofenadine... hiện nay được ưa dùng hơn vì ít gây tác dụng phụ hơn. Một lợi thế của kháng histamin H1 thế hệ mới là chỉ cần uống 1 lần trong ngày nên khá thuận tiện với trẻ đi học.

Một số kháng histamin H2 như cimetidine, ranitidine, famotidine.... là các thuốc chủ yếu dùng trong bệnh viêm loét dạ dày. Nhưng nếu phối hợp kháng histamin H1 ở trên với nhóm này thì sẽ hiệu quả hơn trong điều trị mề đay cấp.

Glucocorticoide: Có thể sử dụng prednisone, methylprednisolon.... cùng với kháng histamin để điều trị các chứng mề đay kéo dài hoặc nặng. Nên uống thuốc sau ăn sáng. Do thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây loét đường tiêu hóa, gây tăng đường máu, tăng huyết áp, loãng xương... vì vậy, người bệnh không được tự ý dùng. Khi được bác sĩ kê đơn, người bệnh hoặc người chăm sóc trẻ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ theo dõi các bất lợi của thuốc (có thể xảy ra) để được sử trí kịp thời, thích hợp.

Kháng sinh: Là thuốc không được dùng thường quy trong mề đay. Chỉ dùng khi nghi ngờ mề đay do Mycoplazma Pneumoniae và kém đáp ứng với các thuốc kháng histamin nêu trên. Kháng sinh chọn trong trường hợp này là azithromycin.

Thuốc bôi: Có thể dùng thuốc bôi để làm giảm nhanh triệu chứng tại chỗ, thuốc bôi có thể chứa thuốc kháng histamin như phenergan hoặc thuốc bôi có chứa corticoide như rumovate... Những thuốc bôi này hay được dùng trong những trường hợp sẩn ngứa và do côn trùng cắn.

Trong trường hợp nặng mề đay kèm theo khó thở, thở rít, khò khè, tím tái, ói mửa, vật vã... cảnh báo dị ứng nặng, bao gồm cả sốc phản vệ. Những trường hợp này phải đưa vào bệnh viện để được cấp cứu và điều trị ngay.

BS. Trần Công

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-me-day-cap-o-tre-em-n173356.html