Thuốc trị mụn rộp, vũ khí mới chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý đã thúc đẩy vi khuẩn hình thành cơ chế kháng lại thuốc điều trị này. Sử dụng một mô hình thí nghiệm các nhà khoa học đã tìm ra vũ khí mới, thuốc điều trị mụn rộp, có thể chống lại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

1. Kháng kháng sinh, mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

Kháng kháng sinh, hiện được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Việc thiếu phương pháp điều trị chống lại vi khuẩn đa kháng thuốc có thể đưa chúng ta trở lại thời kỳ hàng triệu người chết vì bệnh viêm phổi hoặc vi khuẩn.

Vi khuẩn kháng thuốc khiến thuốc kháng sinh ngày càng trở nên cùn mòn.

Vi khuẩn kháng thuốc khiến thuốc kháng sinh ngày càng trở nên cùn mòn.

Vi khuẩn Klebsiella pneumoniae, rất phổ biến trong bệnh viện và đặc biệt độc hại, là một trong những mầm bệnh mà thuốc kháng sinh ngày càng trở nên cùn mòn.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva (UNIGE) đã phát hiện ra rằng edoxudine, một loại thuốc sử dụng để chống herpes được phát hiện vào những năm 60, làm suy yếu bề mặt bảo vệ của Klebsiella. Các kết quả này đã được đăng tải trên tạp chí PLOS One.

Vi khuẩn Klebsiella pneumoniae gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đường ruột và đường tiết niệu. Do khả năng chống lại hầu hết các loại kháng sinh thông thường và độc lực cao, một số chủng vi khuẩn có thể gây tử vong cho 40% đến 50% số người bị nhiễm bệnh. Vì vậy nhu cầu phát triển các thuốc trị liệu mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Giáo sư Pierre Cosson, Khoa Sinh lý Tế bào và Chuyển hóa, Trường Y UNIGE, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Kể từ những năm 1930, y học đã dựa vào thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Nhưng có thể có những cách tiếp cận khác làm cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng thủ của vi khuẩn để chúng không còn có thể thoát khỏi hệ thống miễn dịch. Con đường này có vẻ hứa hẹn hơn tất cả vì độc lực của Klebsiella pneumoniae phần lớn bắt nguồn từ khả năng né tránh các cuộc tấn công từ các tế bào miễn dịch".

Một loại thuốc được phát triển để chống lại mụn rộp, edoxudine, tỏ ra đặc biệt hứa hẹn.

Để xác định xem vi khuẩn có bị suy yếu hay không, các nhà khoa học của UNIGE đã sử dụng một mô hình thí nghiệm có đặc điểm đáng ngạc nhiên là sử dụng Amip Dictyostelium. Sinh vật đơn bào này ăn vi khuẩn bằng cách bắt và ăn chúng, sử dụng cơ chế tương tự mà tế bào miễn dịch sử dụng để tiêu diệt mầm bệnh.

Các nhà khoa học đã biến đổi gen của loại amip này để nó có thể cho biết liệu vi khuẩn mà nó gặp phải có độc lực hay không. Hệ thống rất đơn giản này sau đó cho phép kiểm tra hàng nghìn phân tử và xác định loại thuốc nào có khả năng làm giảm độc lực của vi khuẩn.

2. Làm suy yếu vi khuẩn mà không giết chúng

Phát triển một loại thuốc là một quá trình lâu dài và tốn kém mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Do đó, các nhà khoa học của UNIGE đã chọn một chiến lược nhanh hơn và an toàn hơn. Đó là xem xét các loại thuốc hiện có để xác định các chỉ định điều trị mới có thể.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác dụng đối với Klebsiella pneumoniae của hàng trăm loại thuốc đã có trên thị trường, với một loạt các chỉ định điều trị. Qua hệ thống, một loại thuốc được phát triển để chống lại mụn rộp, edoxudine, tỏ ra đặc biệt hứa hẹn.

Edoxudine là một chất tương tự deoxythymidine có hoạt tính chống lại virus herpes simplex. "Bằng cách thay đổi lớp bề mặt bảo vệ vi khuẩn khỏi môi trường bên ngoài, sản phẩm dược lý này khiến nó dễ bị tổn thương. Không giống như thuốc kháng sinh, edoxudine không tiêu diệt vi khuẩn, điều này giúp hạn chế nguy cơ phát triển kháng thuốc, một ưu điểm chính của chiến lược chống độc lực như vậy", Giáo sư Pierre Cosson, cho biết.

Mặc dù hiệu quả của phương pháp điều trị như vậy ở người vẫn chưa được xác nhận, nhưng kết quả của nghiên cứu này rất đáng khích lệ: Edoxudine có tác dụng ngay cả với các chủng Klebsiella pneumoniae độc nhất và ở nồng độ thấp hơn so với nồng độ được chỉ định để điều trị mụn rộp.

Duy Đăng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-mun-rop-vu-khi-moi-chong-lai-vi-khuan-khang-khang-sinh-169221108132045195.htm