Thuốc trị viêm xoang dạng uống nên dùng khi nào?

Viêm xoang gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, công việc… Việc dùng thuốc trị viêm xoang dạng uống sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Khi nào cần dùng thuốc trị viêm xoang?

Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Đây được xem môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, từ đó tiến triển thành nhiễm trùng.

Viêm xoang có các biểu hiện như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… Nghiêm trọng hơn người bệnh có thể bị sốt, ho, đau vùng trán, mất khả năng cảm nhận mùi…

Để điều trị viêm xoang, có thể dùng một số loại thuốc dạng xịt hoặc uống. Các thuốc dạng uống có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm triệu chứng viêm xoang, tránh nguy cơ gây biến chứng.

Điều trị viêm mũi xoang bằng nội khoa chủ yếu áp dụng cho những trường hợp viêm xoang cấp tính. Các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc kháng dị ứng hoặc thuốc co mạch chống xuất tiết...

Viêm xoang thường có các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi...

Viêm xoang thường có các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi...

2. Các thuốc trị viêm xoang dạng uống thường gặp

2.1.Thuốc thông mũi trị viêm xoang

Thuốc chữa viêm xoang dạng uống (dạng viên nang hoặc siro) chứa các hoạt chất như ephedrine hoặc phenylephrine... gây co mạch, tăng đào thoát dịch đọng trong khoang mũi nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn.

Các thuốc trị viêm xoang chống chỉ định sử dụng cho một số đối tượng như: Người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc; tăng huyết áp hoặc đang điều trị bệnh lý bằng thuốc ức chế monoamine oxidase, những người mắc bệnh cường giáp và không điều chỉnh được, người bệnh hạ kali máu và chưa được điều trị.

Một số tác dụng phục của thuốc trị viêm xoang có thể gây ra cho người dùng như: Đánh trống ngực, mất ngủ, lo lắng, lú lẫn...

Lưu ý, không nên sử dụng sau 4 giờ chiều vì có thể gây cho người bệnh tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Bên cạnh đó, không nên sử dụng quá 7 ngày liên tục.

Dùng các thuốc trị viêm xoang cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Dùng các thuốc trị viêm xoang cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

2.2. Các thuốc trị viêm xoang giảm đau

Thuốc giảm đau, hạ sốt có thể được chỉ định dùng trong đợt viêm xoang cấp tính, khi người bệnh có kèm theo các triệu chứng như đau nhức vùng mặt, trán.

Các loại thuốc giảm đau thường dùng là acetaminophen (paracetamol), aspirin, ibuprofen, paracetamol... Tuy nhiên, cần lưu ý với trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin, ibuprofen. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn.

2.3. Thuốc chống viêm corticoid

Thuốc corticoid trị viêm xoang là nhờ khả năng giảm tình trạng viêm, giảm tiết dịch. Tuy nhiên, việc dùng corticoid dài ngày có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, vì vậy cần thiết phải thăm khám và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ thường gặp là tăng cân, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng đường huyết, loãng xương, suy tuyến thượng thận.

2.4. Thuốc kháng sinh

Kháng sinh được chỉ định đối với những trường hợp viêm xoang nặng và do vi khuẩn gây ra. Kháng sinh có tác dụng kìm hãm/tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, từ đó giúp giảm triệu chứng bệnh.

Một số thuốc kháng sinh trị viêm xoang thường được dùng: Amoxicillin, cefoxitin, cefprodoxime, cefazolin, các penicillin tổng hợp, sulfamethoxazole, azithromycin, clarithromycin…

Tùy vào các yếu tố như triệu chứng của bệnh, phản ứng dị ứng của người bệnh, tiền sử sử dụng kháng sinh... bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh và thời gian dùng kháng sinh phù hợp. Bên cạnh đó, để xác định loại kháng sinh cần dùng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm loại vi khuẩn có trong chất nhầy ở mũi.

Lưu ý, việc sử dụng kháng sinh trị viêm xoang cần phải có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tránh tự ý mua và uống thuốc. Thêm vào đó, nếu người bệnh sử dụng kháng sinh vượt mức cho phép sẽ gây nên hiện tượng nhờn thuốc, khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nên tồi tệ hơn, để lại nhiều biến chứng khôn lường.

2.5. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin trị viêm xoang dạng viên nén có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng đi kèm với viêm xoang như ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi. Thuốc giải phóng histamin vào mô xoang từ đó giảm tiết dịch nhầy, giảm phù nề, giảm triệu chứng.

Một số thuốc thường dùng: Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 (diphenhydramine, clemastine, chlorpheniramine), thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 (loratadine, cetirizine, desloratadine, fexofenadine…). Các thuốc kháng histamin thường gây buồn ngủ, nhức đầu, khô miệng, mắt mờ, táo bón…

Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 thường có tác dụng ngắn nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 ít gây buồn ngủ và khó chịu hơn các thuốc thế hệ 1, do đó được sử dụng nhiều hơn.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm xoang

Để dùng thuốc trị viêm xoang an toàn, người cần thực hiện:

- Người bệnh khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Chỉ dùng kháng sinh, kháng viêm corticoid làm thuốc trị viêm xoang khi có chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý dùng/tăng/giảm các thuốc kháng sinh để trị viêm xoang, vì có thể không đạt hiệu quả chữa bệnh mà có thể làm gia tăng khả năng kháng thuốc.

- Tránh dùng các thuốc chứa corticoid dài ngày vì có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

- Trong khi dùng thuốc trị viêm xoang nếu có bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.

Để điều trị viêm xoang hiệu quả, cần kết hợp các hoạt động sau:

- Dành thời gian nghỉ ngơi.

- Uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây. Hạn chế sử dụng các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà-phê...

- Nâng cao đầu khi ngủ để đỡ nghẹt mũi, xoang được lưu thông.

- Có thể xông mũi bằng hơi nước nóng ẩm.

- Tránh tiếp xúc với khí bụi và giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng tai mũi họng...

Viêm xoang: Cảnh báo về biến chứng nguy hiểm.

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-viem-xoang-dang-uong-nen-dung-khi-nao-169231011235827498.htm