Thuốc và các phương pháp điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nhiễm trùng huyết do liên cầu dù ở bất kỳ mức độ nào cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Với sự tiến bộ của các phương pháp chẩn đoán, trang thiết bị hỗ trợ hiện đại và kháng sinh, ngày nay, việc điều trị bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu cải thiện rõ rệt, giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

1. Mục đích của điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nhiễm trùng huyết (kể cả nhiễm trùng huyết do liên cầu) được xem là một trường hợp cấp cứu, nên tiến hành điều trị và theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Nhiều nghiên cứu cho biết: cứ mỗi giờ trôi qua, nếu nhiễm trùng huyết không được điều trị, sẽ gia tăng nguy cơ tử vong lên đến 7,6%.

Điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu bao gồm:

Chẩn đoán sớm;
Điều trị bằng kháng sinh giúp loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng từ ổ nguyên phát;
Hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp;
Điều chỉnh thăng bằng kiềm toan;
Chống rối loạn đông máu;
Nâng cao sức đề kháng.

Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và các cơ quan trong cơ thể. (Ảnh minh họa)

Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và các cơ quan trong cơ thể. (Ảnh minh họa)

2. Các thuốc điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu

2.1.Điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu bằng kháng sinh

Đa số các trường hợp gây nhiễm trùng huyết do liên cầu là do vi khuẩn, do đó kháng sinh vẫn có hiệu quả điều trị.

Dùng kháng sinh theo mầm bệnh và kháng sinh đồ, liều cao, có thể phải dùng kháng sinh phối hợp trong trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh và chưa rõ mầm bệnh.

Việc điều trị bằng kháng sinh phải ngay lập tức. Các kháng sinh thường được sử dụng là:

Ceftriaxone

Công dụng của thuốc ceftriaxone:

Ceftriaxone thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Những cephalosporin thế hệ thứ 3 này được sử dụng để điều trị các chủng vi khuẩn thường kháng với các loại kháng sinh khác. Đây là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Ceftriaxone là một loại kháng sinh phổ rộng, có thể điều trị nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Ceftriaxone hoạt động bằng cách phá vỡ các axit amin tạo nên thành tế bào, gây hại không thể khắc phục cho vi khuẩn và dẫn đến chết tế bào nhanh chóng.

Chỉ định:

Ceftriaxone để tiêm được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng sau do các sinh vật nhạy cảm gây ra:

Nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng hô hấp dưới
Viêm tai giữa
Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng xương và khớp
Dự phòng trong phẫu thuật…

Cách dùng thuốc:

Ceftriaxone được tiêm bằng cách tiêm bắp (vào một cơ lớn) hoặc tiêm tĩnh mạch (vào tĩnh mạch) hoặc truyền tĩnh mạch

Tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm từ 2 – 4 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch trước ít nhất 30 phút. Liều tiêm tĩnh mạch lớn hơn 1g nên truyền tĩnh mạch. Khi liều tiêm bắp lớn hơn 1g phải tiêm ở nhiều vị trí.

Các tác dụng phụ với toàn thân:

Hệ tiêu hóa (khoảng 2%): phân lỏng hoặc tiêu chảy, buồn nôn, nôn, viêm miệng và viêm lưỡi

Những thay đổi về huyết học (khoảng 2%): bệnh tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu

Những phản ứng trên da (khoảng 1%): phát ban, viêm da dị ứng, ngứa, mề đay, phù.

Một số ít trường hợp bị phản ứng bất lợi nặng trên da: hồng ban đa dạng, Stevens – Johnson hay hội chứng Lyell/hoại tử biểu bì nhiễm độc.

Các tác dụng phụ khác hiếm gặp:

Đau đầu và chóng mặt;
Các triệu chứng của hiện tượng lắng đọng muối ceftriaxone canxi trong túi mật;
Tăng men gan; Tăng creatinin huyết thanh;
Thiểu niệu;
Nhiễm nấm ở đường sinh dục;
Sốt; Rét run,...

Bác sĩ chỉ định việc sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu.(Ảnh minh họa)

Bác sĩ chỉ định việc sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng huyết do liên cầu.(Ảnh minh họa)

Penicillin G (benzylpenicillin): Thuốc ngăn sự phát triển của vi khuẩn

Chỉ định:

Thuốc benzylpenicillin được chỉ định cho các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm với penicillin:

Nhiễm trùng toàn thân;
Nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm mủ huyết;
Viêm tủy xương cấp và mạn;
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Thuốc cũng được chỉ định trong hầu hết các vết thương, nhiễm trùng da sinh mủ, nhiễm trùng mô mềm và các nhiễm khuẩn ở mũi, họng, xoang mũi, đường hô hấp, viêm tai giữa.

Chống chỉ định:

Dị ứng với các penicillin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Tác dụng phụ:

+ Thường gặp

Ngoại ban, viêm đại tràng màng giả, phản ứng viêm tĩnh mạch nơi tiêm, viêm tĩnh mạch huyết khối.

+ Ít gặp

Tăng bạch cầu ái toan, mày đay.

+ Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ, thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu.

Lưu ý:

+ Lưu ý chung

Dùng thuốc benzylpenicillin natri liều cao ồ ạt có thể dẫn đến giảm kali huyết và đôi khi tăng natri huyết.

Với người bệnh suy giảm chức năng thận, dùng liều cao (trên 8 g/ ngày/người lớn) có thể gây kích ứng não, co giật và hôn mê.

Tuyệt đối thận trọng với người có tiền sử dị ứng với penicillin và cephalosporin.

Thận trọng với người bệnh suy giảm chức năng thận, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi.

Với người suy tim, cần chú ý đặc biệt.

Có thể xảy ra quá mẫn với da khi tiếp xúc với kháng sinh, nên thận trọng tránh tiếp xúc với thuốc.

Cần phát hiện xem người bệnh có tiền sử dị ứng không, đặc biệt dị ứng với thuốc. Thận trọng đặc biệt khi dùng benzylpenicillin liều cao cho người bị động kinh.

+ Lưu ý với phụ nữ có thai

Không thấy có khuyết tật hoặc tác dụng có hại trên bào thai. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và có kiểm tra kỹ trên người mang thai để có thể kết luận loại trừ những tác dụng có hại của thuốc trên bào thai. Chỉ dùng thuốc benzylpenicillin cho người mang thai khi thật cần.

+ Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Penicilin bài tiết qua sữa. Nên thận trọng khi dùng trong thời kỳ cho con bú.

2.2. Điều trị hỗ trợ:

Chống viêm bằng corticoid:

Nhóm thuốc corticosteroid vừa có tác dụng chống viêm trong cơ thể, vừa có tác dụng ức chế hệ miễn dịch (thường được sử dụng qua đường tĩnh mạch).

Đảm bảo tuần hoàn, hô hấp.

Cân bằng nước – điện giải, kiềm toan.

2.3. Điều trị hồi sức hồi sức tích cực các trường hợp nặng:

+ Hôn mê: đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thở máy xâm nhập

+ Tụt huyết áp: truyền dịch, dùng thuốc vận mạch

+ Suy thận, toan hóa máu: lọc máu.

+ Ngoài ra cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng truyền máu, đạm, sinh tố. Chế độ ăn: Tăng đạm, hoa quả.

3. Lưu ý để điều trị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu hiệu quả hơn

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, do đó việc phòng bệnh vẫn là chủ yếu.

Bên cạnh điều trị, cần kết hợp với chăm sóc người bệnh có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đúng cách như:

Tập thể dục hàng ngày

Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp nâng cao khả năng hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh tật. (Ảnh minh họa)

Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh tật. (Ảnh minh họa)

Ngủ đủ giấc (7-8h mỗi ngày):

Ngủ đủ giấc giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Cần cho cơ thể nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ sau khi điều trị bằng kháng sinh.

Uống nhiều nước (2-2,5 lít nước mỗi ngày):

Nên uống nước ấm để giữ ấm cổ họng, vừa ngăn ngừa tình trạng mất nước vừa giảm đau khi nuốt.

Nên chọn thức ăn lỏng, mềm dễ nuốt:

Thức ăn lỏng, mềm dễ nuốt như cháo, canh, súp, sữa chua và trứng luộc, trái cây loại mềm. Tránh thức ăn chua cay như nước cam, nước chanh và nước nho.

Không sử dụng chất kích thích:

Người bệnh cần tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê…

BS. Nguyễn Hằng Chi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-nhiem-trung-huyet-do-lien-cau-169240917175449921.htm