Thương binh Nguyễn Bá Lân: Từ người lính đặc công đến doanh nhân nghĩa tình

15 năm sau khi rời quân ngũ, thương binh 1/4 Nguyễn Bá Lân vẫn giữ khí chất người lính, dẫn dắt doanh nghiệp vươn lên và sẻ chia với đồng đội, cộng đồng.

Sinh năm 1954 tại Thạch Hà (Hà Tĩnh), Nguyễn Bá Lân từng từ bỏ cơ hội học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội để nhập ngũ năm 1972. Được huấn luyện tại Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 61, Binh chủng Đặc công, ông trở thành chiến sĩ đặc công dày dạn trận mạc, từng tham gia chiến đấu ở Nam Lào, bảo vệ hành lang tuyến huyết mạch dọc sông Mê Kông và các trận chiến biên giới Tây Nam, phía Bắc. Trong những năm tháng khốc liệt ấy, ông nhiều lần bị thương, được công nhận là thương binh hạng 1/4. Tháng 3/1973, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng; đến năm 1980, sau nhiều năm cống hiến, ông được điều về Đoàn 871 Bộ Quốc phòng và quay lại Đại học Bách khoa Hà Nội để hoàn thành ước mơ học tập dang dở. Tốt nghiệp, ông phục vụ trong Quân chủng Không quân đến năm 2003.

Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Bá Lân. Ảnh: Mai Đông

Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Bá Lân. Ảnh: Mai Đông

Nghỉ hưu, thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Bá Lân không dừng bước. Ông thành lập Công ty TNHH 19/5 tại Nha Trang (Khánh Hòa), chuyên xây dựng dân dụng, công nghiệp, lắp đặt lưới điện và tư vấn giám sát. Từ đây, ông mở thêm công ty tư vấn đầu tư, công ty thiết kế điện, thương mại, du lịch và bảo vệ, tạo việc làm ổn định cho hơn 120 lao động, trong đó ưu tiên quân nhân xuất ngũ, con em cựu chiến binh và thương bệnh binh. Doanh thu mỗi năm đạt trên 95 tỷ đồng, đóng góp ngân sách từ 3 đến 3,5 tỷ đồng.

Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Bá Lân trong một lần đi kiểm tra công trình do công ty của ông thi công. Ảnh: Mai Đông

Thương binh, cựu chiến binh Nguyễn Bá Lân trong một lần đi kiểm tra công trình do công ty của ông thi công. Ảnh: Mai Đông

Nhân viên của công ty nhận mức lương bình quân 10 đến 12 triệu đồng/tháng, được bảo đảm đầy đủ chế độ bảo hiểm và tham gia các chuyến du lịch hằng năm. “Làm việc dưới sự lãnh đạo của một cựu chiến binh, chúng tôi không chỉ có công việc ổn định mà còn học được tinh thần vượt khó và tự lập”, chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên Công ty TNHH 19/5, chia sẻ.

Gắn kinh doanh với trách nhiệm cộng đồng, ngay khi công ty thành lập, ông Lân đề nghị thành lập chi bộ Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa, từ ba đảng viên ban đầu đến nay đã phát triển 13 đảng viên. Doanh nghiệp của ông nhiều năm liền đóng góp quỹ phòng chống dịch, xóa nhà tạm, hỗ trợ Hội truyền thống Trường Sơn, phụ nữ và gia đình chính sách, với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Sĩ Hiến, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa, nhận xét: “Ông Lân là người bao dung, nhân ái, luôn đồng hành cùng hội viên khó khăn. Công ty TNHH 19/5 đã hỗ trợ hàng trăm suất quà và kinh phí lớn cho các chương trình nhân ái”.

Nhờ những đóng góp bền bỉ, Nguyễn Bá Lân và doanh nghiệp của ông nhiều lần được khen thưởng, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (2024) về thành tích trong phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019–2024 và Bằng khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh (2023–2024). Tháng 7/2024, ông vinh dự tham gia Đoàn đại biểu Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công báo công với Chủ tịch nước Tô Lâm.

Mai Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-binh-nguyen-ba-lan-tu-nguoi-linh-dac-cong-den-doanh-nhan-nghia-tinh-412420.html