Thương binh 'tàn nhưng không phế'

Năm nay bước sang tuổi 70, nhưng hàng ngày, thương binh Hoàng Quốc Viên, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa (Na Hang) vẫn cần mẫn cùng vợ con kinh doanh hàng hóa.

Lãnh đạo Hội CCB xã Yên Hoa (Na Hang) thăm mô hình kinh tế kinh doanh dịch vụ
của thương binh Hoàng Quốc Viên, thôn Bản Chợ.

Ông Viên nhập ngũ năm 17 tuổi, tham gia chiến tranh chống Mỹ. Sau giải phóng, ông được điều động làm nhiệm vụ quốc tế giải phóng Campuchia đến năm 1988 về hưu. 23 năm trong quân ngũ, khi trở về với đời thường, tư trang của ông mang theo duy nhất là chiếc ba lô cũ sờn và 3 vết thương với thương tật 23%. Cơ thể thương tật, những ngày trở trời bị đau nhức, thế nhưng, khi cấp trên giao phó, nhân dân tín nhiệm, ông tiếp tục cống hiến sức mình tham gia nhiều vị trí tại UBND xã Yên Hoa trong suốt 20 năm. Trong gia đình, ông cùng vợ, con phát triển kinh tế đồi rừng, mở cửa hàng kinh doanh. Hiện nay, gia đình ông có 5 ha rừng mỡ, keo và 1 cửa hàng kinh doanh mặt hàng nông cụ sản xuất to nhất, nhì ở thôn Bản Chợ.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thương binh Đào Dần ở thôn Phố Lăng Quán, xã Thắng Quân (Yên Sơn) là người rất lạc quan, yêu đời. Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Dần tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong những năm tháng chiến đấu chiến trường Tây Nguyên, ông bị thương nặng, mất 1 chân và 1 mắt trái.

Với suy nghĩ “còn sức còn cống hiến”, khi trở về địa phương, ông tham gia tích cực công tác xã hội ở địa phương, hiện đang đảm đương nhiều chức vụ: Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng người cao tuổi, Chi hội trưởng CCB… Bằng sự gương mẫu, quan tâm, gần gũi, giải quyết vấn đề thấu tình, hợp lý, ông Dần đã tạo được niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu dân cư. Ngày ngày, đảng viên và nhân dân Phố Lăng Quán đã quen thuộc với hình ảnh người thương binh tay cầm nạng tập tễnh lên xã, xuống thôn sinh hoạt chi bộ, họp thôn, đến nhà dân tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dưới sự dẫn dắt của ông, các phong trào thi đua của thôn Phố Lăng Quán ngày càng phát triển. Trong thôn, không có hội viên CCB nghèo, an ninh trật tự khu phố đảm bảo. Đường giao thông ngõ xóm 100% bê tông hóa. Chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

Thương binh hạng 4/4 Trịnh Minh Tiến, xóm 11, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ: “Khắc ghi lời Bác dạy “Thương binh tàn mà không phế”, tôi luôn tự nhủ, mình phải nỗ lực phát triển kinh tế, không được ỷ lại, trông chờ Nhà nước”. Bởi vậy, ông đã tích cực cùng gia đình khai hoang, cải tạo đất đai, xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp VACR, với cây ăn quả là chủ đạo. Ngoài rừng keo, măng vầu, hiện nay, trang trại của ông có hơn 200 gốc bưởi Soi Hà, cam. Mỗi năm vườn bưởi, cam cho gia đình ông thu từ 150 - 200 triệu đồng. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm ông nuôi hàng trăm con lợn, gà thịt. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nuôi cá thịt, với các loại cá trắm, rô phi, trôi, chép. Hằng năm, ao cá của gia đình ông cho thu sản lượng đáng kể. Từ các nguồn thu, tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình ông Tiến là 1 trong những mô hình kinh tế CCB tiêu biểu của xã.

Thương binh Hoàng Quốc Viên, Đào Dần, Trịnh Minh Tiến là 3 trong số hàng trăm thương binh đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác thương binh “tàn mà không phế”. Sự lao động cần cù, ý chí vươn lên đã làm họ tỏa sáng, là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng danh với tên gọi người lính Cụ Hồ.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-120577.html