Thương binh vượt khó

Hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và để lại một phần thân thể trên chiến trường, thế nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Thanh Liêm (thương binh hạng 2/4, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu, nhất là sẵn sàng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Thanh Liêm (bìa trái) - thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi và giàu lòng nhân ái

Ông Nguyễn Thanh Liêm (bìa trái) - thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi và giàu lòng nhân ái

Nhân dịp 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi được Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An - Trần Văn Đờn giới thiệu về ông Nguyễn Thanh Liêm - thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi, đầy nghị lực, giàu lòng tin, là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay noi theo. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Đờn đưa chúng tôi đến thăm cửa hàng chuyên phân phối hàng bông tại chợ phường 2 của ông Liêm.

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một người thương binh mất một chân, chân đi cà nhắc đang hướng dẫn nhân viên phân phối hàng lên xe giao cho khách, với giọng nói nhẹ nhàng, thân thiện. Ngồi trò chuyện cùng ông Liêm, chúng tôi được biết: Năm 1982, ông tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Đến năm 1984, ông và 4 đồng chí khác tham gia đánh trận Biển Hồ, trong đó 4 đồng chí hy sinh, còn ông bị thương mất một chân.

Năm 1990, ông xuất ngũ và trở về với cuộc sống đời thường. Điều đáng quý trong suốt thời gian ông Liêm tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, thậm chí bị thương mất một chân, vậy mà bà Phan Thị Tiền (vợ ông Liêm) vẫn chung thủy đợi chờ chồng. Hơn hết, bà Tiền luôn cùng chồng nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và nuôi 3 người con ăn học thành tài, có việc làm ổn định.

Ông Liêm kể: “Gia đình đông anh em nên khi ra riêng, vợ chồng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi cảm thấy mình may mắn hơn những đồng đội khác là vẫn còn sống, được về bên gia đình nên luôn ra sức lao động. Những năm đầu khởi nghiệp, vợ chồng tôi mua ghe buôn bán hàng bông khắp các tỉnh miền Tây. Sau khi dành dụm được chút đỉnh, vợ chồng tôi bán ghe và mở một sạp hàng bông nhỏ tại chợ phường 2, TP.Tân An. Nhờ chăm chỉ làm ăn, giờ đây sạp của tôi ngày càng mở rộng, hiện chuyên cung cấp hàng bông cho các tiểu thương trong tỉnh, thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng”.

Không chỉ nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, người thương binh hạng 2/4 này còn trăn trở với những hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Thế là, ông mạnh dạn cưu mang và tạo việc làm cho 10 người có hoàn cảnh khó khăn, với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng. Có thể đối với nhiều người, mức lương 6 triệu đồng/tháng không nhiều nhưng với người nghèo, người không có việc làm ổn định thì đây là một điều đáng quý và rất ý nghĩa.

Ông Nguyễn Thanh Diệp (quê Tân Trụ) trải lòng: “Tôi lớn tuổi nên không xin được việc làm. May mắn, tôi được ông Liêm tạo việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông Liêm còn chủ động sắp xếp cho tôi công việc nhẹ nhàng. Tôi mang ơn ông Liêm nhiều lắm!”.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và biên giới Tây Nam, nhiều chàng trai, cô gái hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó không ít người hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường giống trường hợp ông Liêm. Vậy mà khi trở về cuộc sống đời đường, những chàng trai, cô gái năm nào vẫn tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An - Trần Văn Đờn khẳng định: “Hiện nay, Hội Cựu chiến binh thành phố có rất nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. Riêng trường hợp ông Liêm là một trong những hội viên đầy nghị lực, kiên cường, không đầu hàng số phận. Ông Liêm chính là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo”.

Ngồi trò chuyện với ông Liêm trong những ngày Long An nói riêng, cả nước nói chung đang tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi cảm thấy khâm phục nghị lực, nhiệt huyết của người thương binh này. Và chúng tôi - những người đại diện cho thế trẻ càng có thêm động lực để cố gắng ra sức lao động, học tập xứng đáng với những người đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình độc lập, dân tộc hôm nay./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/thuong-binh-vuot-kho-a99350.html