Thương chiến Mỹ - Trung: Khó khăn đã ngấm tới doanh nghiệp nội
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động sâu rộng đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay cả những ngành được hưởng lợi như dệt may, thủy sản cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong sự dịch chuyển của đơn đặt hàng, dòng vốn đầu tư.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán rằng nhu cầu cho thuê căn phòng hạng A tại TP.HCM có tăng lên từ các khách thuê là doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam theo làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam dưới ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, đại diện Savills Việt Nam cho biết, chưa ghi nhận được nhu cầu tăng từ nhóm khách thuê này.
Một phần là do đặc thù nhóm doanh nghiệp sản xuất thường tìm kiếm đất khu công nghiệp để mở nhà máy và đặt văn phòng ngay tại nhà máy, một phần vì dòng vốn đầu tư có vào, nhưng cũng có đơn đặt hàng lại đang dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.
Cụ thể, một doanh nghiệp Tây Ban Nha trong lĩnh vực dệt may đã giảm tỷ trọng đặt hàng tại Việt Nam từ 32% xuống 20% để chuyển hướng sang Trung Quốc. Lý do là các doanh nghiệp ngoài Mỹ đang được hưởng lợi khi các nhà may mặc ở Trung Quốc giảm giá mạnh để có đơn hàng bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ.
Bán hàng trên toàn cầu nên các thương hiệu thời trang lớn không nhất thiết phải rút đơn đặt hàng tại Trung Quốc như các thương hiệu thời trang Mỹ. Như vậy, trong khi một số nhà sản xuất tại Việt Nam nhận thêm được đặt hàng từ Adidas (Mỹ) thì cũng có nhà sản xuất giảm đơn hàng từ các thương hiệu ngoài Mỹ.
Ông Trần Như Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Ðầu tư thương mại dệt may Thành Công (TCM) chia sẻ, suy giảm nhu cầu trong ngành dệt may Trung Quốc dẫn đến giá sợi giảm, làm giảm biên lợi nhuận mặt hàng sợi xuất sang nước này.
Với TCM, mảng sợi xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu nhưng cũng ảnh hưởng một tỷ lệ không nhỏ đến biên lợi nhuận.
Dù TCM đã tái cơ cấu sản phẩm, giảm xuất khẩu, tăng cường sử dụng nội bộ và chuyển sang các loại sợi các giá trị giá tăng cao hơn nhưng việc này cũng khiến TCM phải nhanh chóng hơn để dịch chuyển hết số sản phẩm còn lại. Chưa kể, khi nhu cầu ngành may xuất khẩu trong nước tăng cao thì giá nhân công cũng tăng.
“Nhưng, nhìn chung thương chiến Mỹ - Trung diễn ra tác động tích cực đến TCM vẫn nhiều hơn”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, nhìn toàn cảnh thị trường văn phòng cho thuê, CBRE lại cho biết, các yêu cầu thuê mới văn phòng tăng 21 điểm phần trăm so với cùng kỳ và gần 40% yêu cầu thuê mới là từ các công ty sản xuất và logistics.
Thủy sản thường được nêu đầu tiên trong danh sách ngành hưởng lợi từ cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, một công ty lớn trong ngành này cho biết, tăng được lượng xuất khẩu chưa bao nhiêu thì doanh nghiệp đã phải đối mặt với những cản trở từ các doanh nghiệp bên Mỹ, khiến nhà xuất khẩu phải chi rất nhiều chi phí cho luật sư, giải trình, làm số liệu…
Thêm vào đó, sau việc Mỹ hoãn áp thuế đến tháng 12 khiến các nhà sản xuất Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, đẩy giá cước vận tải tàu biển tăng cao. Doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu lại chịu chi phí tăng lên khi xuất hàng lạnh vì các hãng đang ưu tiên vận chuyển hàng khô.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp thủy sản cho thấy không tăng trưởng về lợi nhuận như MPC, VHC, ANV… Việc tăng doanh thu vào thị trường Mỹ không đơn giản khi bản thân các nhà nhập khẩu còn nghe ngóng chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Mặt khác, ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, các doanh nghiệp cũng phải lo phòng ngừa rủi ro, tức đầu tư chi phí tiếp thị để đa dạng hóa thị trường tránh phụ thuộc vào Mỹ dẫn đến rủi ro khi thị trường có biến động. Chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vì thế đều gia tăng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngành thép, vốn gặp nhiều khó khăn về rào cản thương mại ở thị trường Mỹ và tình trạng dư cung ở trong nước, ông Lê Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ðại Thiên Lộc cho biết, thị trường xuất khẩu đã khó mà thị trường nội địa càng khó khăn hơn do các doanh nghiệp Trung Quốc, Ðài Loan đầu tư ở Việt Nam không xuất khẩu được nên bán ở trong nước khiến miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Nhiều nhà sản xuất bán hàng dưới giá thành.
“Nhiều ngành sản xuất khác cũng chịu tình trạng như vậy, như ngành giấy bao bì. Trước đây, chúng tôi mua 12.600 đồng/kg, giờ giảm chỉ còn 8.600 đồng/kg do nhu cầu giảm khiến các nhà sản xuất phải quay về cạnh tranh ở trong nước”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, xu thế giảm giá do nhu cầu suy giảm từ tác động của thương chiến Mỹ - Trung lan ra toàn cầu khiến các doanh nghiệp tôn thép ở Việt Nam chắc chắn còn chịu nhiều khó khăn.