Thương chiến Mỹ-Trung: Kinh tế toàn cầu vừa né được một 'viên đạn', nhưng có được lâu?
Giá cổ phiếu và giá dầu đã tăng lên trong phiên giao dịch hôm đầu tuần này, sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố lệnh 'ngừng bắn' trong cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, lệnh ngừng bắn dễ đổ vỡ này là không đủ để gỡ sức ép đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu tổn thương do hàng loạt đòn công kích thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản tuần trước đã nhất trí tạm ngừng đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, nhưng đòn thuế mà ông đã áp với lượng hàng 250 tỷ USD của Trung Quốc cùng các đòn trả đũa của Bắc Kinh vẫn còn đó. Ông Trump cũng gỡ bỏ một số hạn chế đối với Tập đoàn viễn thông Huawei, nhưng nói rằng số phận của công ty này sẽ còn phụ thuộc vào giai đoạn cuối của các vòng đàm phán thương mại giữa hai nước.
Điều dễ thấy là không có một bước đột phá nào trong việc giải quyết các vấn đề căn cốt đã dẫn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đến chỗ đối đầu. Giới phân tích cho rằng thiếu bước đột phá đồng nghĩa với việc các hàng rào thuế quan còn lâu mới được gỡ bỏ, và như vậy vẫn tạo sức ép lên chuỗi cung ứng và đà tăng trưởng toàn cầu.
"Khởi động lại các vòng đàm phán thương mại không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận thương mại" - Tommy Wu, chuyên gia thuộc ĐH Kinh tế Oxford, nhận định - "Các vòng đàm phán sẽ lại gặp khó khăn, khi mà cả hai bên vẫn cứ khư khư giữ quan điểm cứng rắn của mình".
Các hàng rào thuế quan đã gây sức ép nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Chúng khiến cho hoạt động sản xuất của Trung Quốc trở nên tuyệt vọng, và làm giảm giá trị thương mại toàn cầu. Các công ty đã tìm cách giảm thiểu rủi ro đối với chuỗi cung ứng của họ, thế nhưng rất nhiều công ty - trong đó có cả Apple - vẫn dễ bị tổn thương bởi các đòn thuế mới mà Mỹ tung ra, và các đòn trả đũa từ phía Trung Quốc.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,3%, cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng trong thương mại có thể ảnh hưởng trầm trọng tới các chuỗi cung ứng và làm gián đoạn các ngành công nghiệp như chế tạo xe. Đây là con số dự báo tăng trường thấp nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 2009.
Đến tháng 5 vừa qua, chỉ số sản xuất toàn cầu của JPMorgan đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012. Ngay cả người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng: Các công ty Mỹ gồm Costco và Walmart cho hay họ đã phải nâng giá thành sản phẩm do các đòn áp thuế.
"Nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều thương tổn: Các khoản đầu tư suy yếu và hoạt động thương mại chậm lại đáng kể, trong khi tăng trưởng xuất/nhập khẩu đang ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính" - Giám đốc IMF Christine Lagarde nói tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
Các ngân hàng trung ương giờ buộc phải hành động. Cục Dự trữ liên bang (FED) Mỹ đã đánh tín hiệu họ có thể thực hiện 2 đợt cắt giảm tỷ lệ lãi suất trong năm nay nhằm phản ứng trước các mối quan ngại về chính sách thương mại của ông Trump, khoản nợ doanh nghiệp tăng và sự suy yếu trong khu vực chế tạo. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đánh tín hiệu rằng họ có thể phải in thêm tiền. Ấn Độ và Australia cũng đã phải cắt giảm tỷ lệ lãi suất.
Câu hỏi lớn giờ đây là, các vòng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi theo chiều hướng nào.
Tổng thống Trump muốn Bắc Kinh mở rộng thị trường với các công ty Mỹ và giảm sự trợ cấp của Chính phủ đối với các công ty trong nước. Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ. Ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và khẳng định sẽ không thay đổi hệ thống kinh tế đã giúp hàng triệu người dân của họ thoát cảnh nghèo. Bắc Kinh cũng tăng chi tiêu và giảm thuế để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Giới phân tích thuộc ngân hàng đầu tư Berenberg của Đức nói rằng, "lệnh ngừng bắn" mà Mỹ và Trung Quốc đạt được mới đây nên được quan sát một cách thận trọng. Họ nhắc lại rằng cuộc họp giữa lãnh đạo Mỹ, Trung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức hồi năm ngoái tại Brazil cũng đưa ra tín hiệu tích cực, nhưng các vòng đàm phán thương mại sau đó lại đổ vỡ, và các bên bắt đầu áp thuế lẫn nhau.
"Tiến trình hướng tới một giải pháp cuối cùng, và viễn cảnh hai bên đạt được thỏa thuận, gỡ bỏ hàng rào thuế quan vẫn còn rất xa" - Holger Schmieding và Kallum Pickering thuộc Ngân hàng Berenberg, nhận định.
Ông Trump mong muốn duy trì một nền kinh tế và thị trường cổ phiếu mạnh mẽ trong lúc hướng tới cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020, và đó cũng là động lực khiến ông không muốn gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, hay mở thêm một mặt trận thương mại nào với các đối tác thương mại khác như Canada, Mexico và EU.
"Nền kinh tế duy trì được sức mạnh của mình là động lực chính của ông Trump khi thực hiện chiến dịch tái tranh cử" - các nhà phân tích ở Berenberg nhận định - "Các bước tiến thương mại tích cực gần đây có thể là tín hiệu cho thấy ông Trump sẵn sàng giảm nhiệt trong căng thẳng thương mại một thời gian để giữ cho nền kinh tế ổn định".