Thương chiến Mỹ - Trung: Thỏa thuận giới hạn nên cũng rất... có hạn
Thỏa thuận giới hạn, ngoài việc đình chỉ một đợt thuế quan sắp diễn ra và một chiến thắng cho nông dân, nếu xét về lợi ích thực sự cho nền kinh tế Mỹ và tái cân bằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đó là một con số 0.
Tổng thống Mỹ Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, ngày 11/10. (Nguồn: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (11/10) đã công bố thỏa thuận thương mại có giới hạn với Bắc Kinh sau cuộc hội đàm tại Washington với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Ông Trump cho biết, ông hy vọng sẽ có một thỏa thuận được ký với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "trong bốn đến năm tuần, khoảng như thế". Việc ký kết có thể diễn ra vào giữa tháng 11 tại Chile, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tuy nhiên, trên thực tế, thỏa thuận trên sẽ không thể giúp tái thiết lập một cách sâu rộng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, điều mà ông Trump đã luôn tìm kiếm từ những ngày đầu ở Nhà Trắng và trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Bởi Washington chỉ đơn giản là giảm bớt chút áp lực về thuế quan với Trung Quốc. Còn ở phía bên kia, các nhượng bộ của Trung Quốc cũng nhỏ không kém và thực chất mới chỉ là chốt lại các cam kết hiện có, được thực hiện trong tất cả 13 vòng đàm phán.
Thông báo với giới truyền thông, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, "Chúng tôi đã có thống nhất cơ bản về các vấn đề chính... nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ không ký một thỏa thuận trừ khi chúng tôi nhận được điều gì đó và có thể báo cáo với Tổng thống những vấn đề đã được thống nhất bằng văn bản".
Ông Mnuchin cũng nói rằng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu hạc cần phải "quay trở về để bàn bạc thêm trong nội bộ", “chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ trong hai ngày qua”, nhưng còn phải thấy được sự chấp thuận từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh.
Trên thực tế, những đột phá rõ ràng trong các vòng đàm phán trước đây đã vấp phải sự phản đối từ Bắc Kinh và cả hai bên đều đã trải qua những ngón đòn ăn miếng trả miếng làm căng thẳng hơn cuộc chiến thương mại.
Chiến thắng cho nông dân Mỹ
Trong thỏa thuận giới hạn này, phía Trung Quốc đã cam kết sẽ nhanh chóng tăng lượng mua hàng nông sản của Mỹ, khoảng từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD mỗi năm, đây là mức tăng mạnh, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 19,5 tỷ USD nông sản của Mỹ và con số này giảm xuống chỉ còn hơn 9 tỷ USD trong năm 2018.
Nhưng Trung Quốc đã không sẵn lòng cam kết bất kỳ thay đổi lớn nào đối với các khoản trợ cấp công nghiệp và các hoạt động khác, điều mà phía Mỹ luôn mong muốn.
Tổng thống Trump cho biết, ông hy vọng sẽ có một thỏa thuận được ký với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "trong bốn đến năm tuần, khoảng như thế". (Nguồn: AP).
Còn Mỹ cũng không bãi bỏ bất kỳ mức thuế hiện hành nào đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn đã được chính quyền Mỹ áp dụng kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào đầu năm 2018, bao gồm cả 15% thuế đối với hơn 110 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực vào tháng Chín. Washington đang giữ nguyên lời đe dọa áp thuế quan 15% đối với một loạt sản phẩm còn lại của Trung Quốc, bao gồm nhiều sản phẩm tiêu dùng vào ngày 15/12.
Ba tiến bộ lớn nhất
Dịch vụ tài chính và tiền tệ, vấn đề chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ có vẻ là ba tiến bộ lớn nhất trong thỏa thuận có giới hạn Mỹ - Trung.
"Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận hiệu quả với... người đứng đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)", ông Mnuchin cho biết. "Chúng tôi cũng đã có các cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề mở cửa thị trường tài chính của họ cho các công ty dịch vụ tài chính của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi đã đạt được gần như một thỏa thuận hoàn chỉnh về cả hai vấn đề đó.”
"Tiền tệ là vấn đề rất quan trọng, là mối quan tâm rất lớn của cả hai bên... và chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối và thị trường tự do, vì vậy chúng tôi rất hài lòng với điều đó." Bộ trưởng Tài chính Mỹ thông báo. Đây rõ ràng là một bước tiến đáng kể trong bối cảnh hồi tháng Tám, Bộ Tài Chính Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng Nhân dân tệ, để đạt được những lợi thế thương mại không công bằng.
Về một điểm mấu chốt trong bất hòa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, các cuộc đàm phán đã "đạt được tiến bộ rất tốt về vấn đề chuyển giao công nghệ". Không nói thêm chi tiết, nhưng ông Trump nói rằng, một thỏa thuận có thể sớm đạt được, với việc các công ty Mỹ chia sẻ bí quyết của họ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
"Chúng tôi cũng có một thỏa thuận về sở hữu trí tuệ", Tổng thống Mỹ nói, khi đề cập tới một trở ngại khác đã được khắc phục trong thỏa thuận chung có giới hạn.
Vẫn bỏ ngỏ cơ chế giải quyết tranh chấp
Tuy nhiên, điều quan trọng được giới quan sát mong đợi là một cơ chế thực thi thỏa thuận, thì dường như hai bên chưa thể đồng thuận về bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào.
Trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, một cơ chế giải quyết tranh chấp đang được hoàn thiện, cơ chế này vốn được Mỹ xem là thiết yếu để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào. Tuy rằng, ông Lighthizer tiết lộ, một động thái đầu tiên của Mỹ có thể là việc hủy bỏ đợt áp thuế quan tiếp theo lên hàng Trung Quốc vào ngày 15/12.