Thương chiến Mỹ - Trung: TQ đang thay đổi chiến lược để 'cầm cự'
Vòng áp thuế mới nhất giữa Mỹ - Trung Quốc đang mở rộng quy mô của cuộc chiến thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến lược để đối mặt với những leo thang mới trong cuộc chiến này.
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục áp dụng mức thuế quan “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau. (Nguồn: Vietnamfinance)
Tiếp tục trả đũa lẫn nhau
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục áp dụng mức thuế quan “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa của nhau. Theo trang Nikkei Asian Review, nếu cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế leo thang hơn nữa, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể phải chịu một “đòn chí mạng” bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 1/9, Washington đã ban hành mức thuế bổ sung 15% đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 110 tỷ USD, bao gồm cả điện tử và quần áo. Các “hình phạt” thuế quan tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Mười và tháng Mười hai tới trừ khi Trung Quốc thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán thương mại tới.
Trung Quốc đã phản ứng bằng cách áp thuế quan “trả đũa” đối với dầu thô, đậu nành và đe dọa sẽ có hành động tiếp theo vào tháng Mười Hai. Quốc gia này sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 5% đến 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 75 tỷ USD từ Mỹ.
Ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực cho Trung Quốc trong việc trở lại bàn đàm phán để tiến tới một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ gặp “nhiều khó khăn” nếu Bắc Kinh tiếp tục trì hoãn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể sẵn sàng “lôi kéo” Washington vào một cuộc chiến thương mại dài hơi.
Trước đó, tháng 4/2019, Mỹ - Trung đã tiến gần đến một thỏa thuận. Nhưng các cuộc đàm phán lại sụp đổ vào tháng Năm, phần lớn là do Trung Quốc đã thay đổi chiến lược. Kể từ đó, theo các nhà nghiên cứu từ Deutsche Bank, một ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt am Main (Đức), Bắc Kinh đã sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến thương mại dài hơi.
Nhà kinh tế học Yi Deutsche của Trung Quốc cho biết, hiện tại, Trung Quốc không đặt mục tiêu nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại, cũng không cố gắng “đánh trả” lại Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc dường như đã coi cuộc chiến thương mại như một thực tế nhất định và đang cố gắng duy trì khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc dưới những áp lực mà cuộc chiến thương mại với Mỹ mang lại.
Hai lý do của Trung Quốc
Có hai lý do chính cho sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc: Thứ nhất là giải quyết chiến tranh thương mại không còn là vấn đề hàng đầu của Trung Quốc. Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Các nhà nghiên cứu nhận định, mục tiêu chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc “trả đũa” thuế quan không phải là muốn gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ mà quốc gia này muốn làm gia tăng sự thất vọng của thị trường Mỹ từ sự leo thang liên tục cuộc chiến thương mại này.
Một cơ quan chính sách hàng đầu Trung Quốc cũng cho rằng, nước này sẽ tiến một bước xa hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng chi tiêu tài khóa để giúp hỗ trợ tăng trưởng trong nước do Bắc Kinh không thấy có giải pháp hòa giải trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, Ủy ban ổn định và phát triển tài chính (FSDC) do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc làm chủ tịch cũng cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mạnh các biện pháp “cứu trợ” cho sự tăng trưởng kinh tế trong nước trước bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Theo Louis Kuijs, người đứng đầu ngành kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc. Vì vậy, Bắc Kinh cần nới lỏng chính sách hơn nữa để đối phó với áp lực gia tăng từ chiến tranh thương mại cũng như sự suy giảm tăng trưởng trong nước.
Trang Nikkei Asian Review nhận định, không chỉ Mỹ và Trung Quốc, nỗi lo về sự suy giảm kinh tế cũng đã lan sang châu Âu và châu Á, dẫn đến sự không chắc chắn trên thị trường chứng khoán và tài chính trên toàn thế giới. Những nỗi sợ hãi như vậy sẽ không biến mất trừ khi nguyên nhân sâu xa là cuộc chiến thương mại chấm dứt. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc phải ưu tiên ổn định kinh tế thị trường và nỗ lực hết sức để kết thúc cuộc chiến thương mại thiệt hại. Hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới cần nối lại các cuộc đàm phán thương mại “càng nhanh càng tốt” và đưa ra một thỏa thuận hợp lý với cả hai quốc gia.