Thượng đỉnh ASEAN: Vấn đề Myanmar, phục hồi hậu COVID-19 là trọng tâm

Hội nghị cấp cao ASEAN tập trung nhiều vấn đề, từ tình hình Myanmar, Biển Đông đến phục hồi hậu COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 và chuỗi hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia từ ngày 10 đến 13-11. Hội nghị cấp cao là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác đối thoại sau đại dịch COVID-19.

Chương trình nghị sự nhiều trọng tâm

Theo kênh Channel News Asia, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40, 41 thảo luận về cách mà 10 quốc gia thành viên có thể thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực. Với chủ đề của hội nghị thượng đỉnh năm nay là “ASEAN hành động: Cùng ứng phó với thách thức”, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình ở Myanmar, cùng với các diễn biến khu vực và quốc tế khác.

Điều quan trọng nhất là ASEAN phải hợp tác để thúc đẩy chương trình nghị sự tập thể và đảm bảo rằng tất cả các bên sẽ cùng hành động trong các lĩnh vực đã xác định là vấn đề ưu tiên.

Phát ngôn viên Hội nghị cấp cao ASEAN Kung Phoak nhấn mạnh

Chia sẻ trong một cuộc hội thảo về vai trò chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia, cố vấn cấp cao của chính phủ Vương quốc Campuchia và Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) Sok Siphana cho rằng chương trình của hội nghị lần này sẽ xoay quanh quá trình phục hồi hậu COVID-19, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, khủng hoảng Myanmar, vấn đề Biển Đông, chiến sự Nga - Ukraine và các vấn đề biến đổi khí hậu, Khmer Times đưa tin ngày 10-11.

Theo The Manila Times, Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr cho biết sẽ cam kết ưu tiên các lợi ích của Philippines và giải quyết tranh chấp Biển Đông tại hội nghị lần này. Ông cũng chú trọng hợp tác khu vực về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, hợp tác y tế và phục hồi kinh tế. “Chúng tôi cũng sẽ giải quyết các vấn đề khu vực như đại dịch, tình hình ở Myanmar, diễn biến ở Biển Đông và xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, cùng những vấn đề quan trọng khác” - nhà lãnh đạo nói thêm.

Phát biểu trong cuộc họp báo công bố chương trình nghị sự ngày 10-11, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia kiêm phát ngôn viên Hội nghị cấp cao ASEAN Kung Phoak cho biết khi Campuchia đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN, khu vực và thế giới đã phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm vấn đề Myanmar, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine. Ông nhấn mạnh khối đã nhận thức được một số thách thức chung có thể phát sinh và bày tỏ tin tưởng rằng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các khó khăn này, The Phnom Penh Post đưa tin.

Các lãnh đạo ASEAN gặp gỡ đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN tại Phnom Penh vào ngày 10-11. Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo ASEAN gặp gỡ đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN tại Phnom Penh vào ngày 10-11. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, chương trình nghị sự cho chuỗi hội nghị cấp cao lần này bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 25, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 25, Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ đánh dấu 30 năm quan hệ đối thoại, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10, Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc lần thứ hai, Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Canada, Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17.

Sáng 10-11, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni cũng đã đón tiếp các lãnh đạo ASEAN, đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh. Chiều cùng ngày, các lãnh đạo có buổi gặp gỡ đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, đại diện Thanh niên ASEAN và đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, an ninh nghiêm ngặt

Theo The Phnom Penh Post, ngày 8-11, phát ngôn viên Quân cảnh quốc gia Campuchia Eng Hy cho biết đất nước đã điều động lực lượng duy trì an ninh, an toàn, trật tự công cộng và bảo vệ các quan chức tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Theo ông, mục đích của các phương án trên là đảm bảo an toàn, an ninh trật tự công cộng trong suốt thời gian Phnom Penh đăng cai hội nghị. Ông cho biết thêm rằng quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương, xe chữa cháy và xe máy để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

“Với sự hợp tác của chính quyền các địa phương, Phnom Penh đã triển khai khoảng 1.400 nhân viên cho các hoạt động trên” - ông Eng Hy nói. Vị phát ngôn viên cũng cho hay đã điều động hơn 10.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo, gồm cả các đoàn đại biểu đến thăm Preah Sihanouk, Siem Reap. “Tôi kêu gọi tất cả bộ, ngành, chính quyền địa phương và tất cả nhân sự liên quan đoàn kết để đảm bảo thành công cho các hội nghị thượng đỉnh” - ông nói.

Ngày 10-11, Phó Ủy viên Cảnh sát quốc gia Campuchia kiêm Ủy viên Cảnh sát thủ đô Phnom Penh - Trung tướng Thet cho biết hơn 200 lính thuộc lực lượng cảnh sát can thiệp đặc biệt và CSGT đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, duy trì trật tự trong khi lãnh đạo các nước đến Campuchia tham dự các hội nghị cấp cao, theo Khmer Times. Trung tướng Thet cho biết nhiệm vụ của các lực lượng này là đảm bảo an toàn cho các đại diện cấp cao, duy trì an ninh trật tự tại các hội nghị cấp cao.•

Báo Campuchia ca ngợi quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam

Ngày 8-11, tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Campuchia - Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định quan hệ Việt Nam - Campuchia là quan hệ tốt đẹp từ lâu đời được biểu hiện thông qua các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao và sự giao lưu giữa nhân dân hai nước, theo The Phnom Penh Post.

Theo báo này, ông Hun Sen nhấn mạnh rằng Việt Nam là nước láng giềng thân thuộc của Campuchia dựa trên các nguyên tắc tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau. Theo ông, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đang phát triển ổn định thông qua tăng trưởng trong hợp tác thương mại và du lịch, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 khi hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau về kinh phí và thiết bị y tế để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Campuchia, mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng hỗ trợ Campuchia trong vai trò là chủ nhà tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41.

Ông Samrin còn nói thêm rằng sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy sự phát triển trong quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực về ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế và giao lưu văn hóa. Ông Samrin nhận định chính phủ hai nước luôn hợp tác chặt chẽ và tích cực hỗ trợ lẫn nhau cả trong khu vực và quốc tế.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-dinh-asean-van-de-myanmar-phuc-hoi-hau-covid-19-la-trong-tam-post707303.html