Thượng đỉnh Đức-Trung Á: Tăng cường hợp tác chiến lược, lấp những khoảng trống
Thượng đỉnh Đức-Trung Á lần đầu tiên diễn ra nhằm củng cố quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên.
Ngày 29/9 tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lần đầu tiên tiếp đón và tiến hành một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á.
Đức cùng 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược nhằm mục đích củng cố và nâng cao sự hợp tác đã có từ 30 năm qua giữa hai bên.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị cho biết, quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức với 5 nước Trung Á trước hết tập trung vào kinh tế và năng lượng, khí hậu và môi trường, hợp tác khu vực và giao lưu nhân dân.
Hai bên nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn thường xuyên, trong đó hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm tới ở một quốc gia Trung Á để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Tăng cường an ninh năng lượng và tạo ra các tuyến cung cấp năng lượng thay thế là một trọng tâm mà hai bên cùng hướng tới.
Thủ tướng Scholz và lãnh đạo 5 nước Trung Á cũng nhất trí cải thiện tổng thể các tuyến đường vận tải và quá cảnh. Các nước Trung Á hoan nghênh các sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu cũng như chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu" của EU.
Bên lề hội nghị, Đức đã ký một ý định thư về thỏa thuận di cư với Kyrgyzstan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động lành nghề và hồi hương những người không có quyền ở lại Đức. Trước đó, Đức cũng đã ký một tuyên bố ý định tương tự với Uzbekistan.
Kazakhstan, với tư cách là nền kinh tế mạnh nhất khu vực, đã cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu ở Schwedt thuộc bang Brandenburg của Đức và bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung từ Nga. Kazakhstan cũng có urani, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng và được coi là đối tác tiềm năng để sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo.
Năm quốc gia Trung Á có tổng dân số gần 80 triệu người, chỉ thấp hơn một chút so với Đức. Tuy nhiên, diện tích của 5 nước lại lớn hơn gấp 11 lần và gần bằng diện tích của cả 27 nước thành viên EU.
Đức đặc biệt quan tâm tới các mỏ nguyên liệu thô ở các quốc gia Trung Á sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine.