Thượng đỉnh G7 ngày thứ hai: Covid-19, Nga và Trung Quốc
Ngày đầu tiên của Thượng đỉnh G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã khép lại. Chờ đợi gì trong ngày thứ hai?
Đại dịch Covid-19
Một trong những chủ đề đã và sẽ tiếp tục xuất hiện tại thượng đỉnh G7 lần này chính là đại dịch Covid-19. Theo Nhà Trắng, lãnh đạo G7 cam kết sẽ góp tổng cộng 1 tỷ liều vaccine Covid-19 để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp.
Trong số này, bên cạnh 80 triệu liều công bố trước đó, Mỹ sẽ quyên góp thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/bioNTech, Anh cam kết 100 triệu liều AstraZeneca. Canada dự kiến sẽ hỗ trợ 100 triệu liều vaccine Covid-19, với một phần là ngân sách dành cho qua chương trình tiêm chủng toàn cầu COVAX.
Bên cạnh đó, khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19 là chủ đề chính trong phiên thảo luận đầu tiên của thượng đỉnh G7 ngày 11/6. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh các nước “không được phép lặp lại sai lầm của đại khủng hoảng suy thoái kinh tế năm 2008, khi quá trình hồi phục không đồng đều giữa mọi thành phần trong xã hội.”
Theo đề xuất của Mỹ, G7 cũng dự kiến chính thức áp đặt mức thuế tối thiểu 15% ở quy mô toàn cầu cho các doanh nghiệp đa quốc gia, nhằm giảm thiểu tình trạng trốn thuế.
Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là một trong những nội dung thảo luận hàng đầu trong danh sách nghị trình sắp tới của nhà lãnh đạo G7, đặc biệt là trong phiên thảo luận thứ 2 về sức chống chịu toàn cầu, phiên thảo luận thứ 4 về y tế ngày 12/6.
Nga, Trung Quốc và Iran
Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng các nước G7 đã nhóm họp vào ngày 7/6 để chuẩn bị và ra Thông cáo chung. Các bên tỏ ra lo ngại về những hành động gần đây của Nga ở biên giới với Ukraine và cảnh báo Moscow phải tôn trọng luật phát quốc tế. Trong bối cảnh đó, chính sách với xứ bạch dương sẽ là chủ đề lớn trong phiên thảo luận thứ ba về đối ngoại giữa các lãnh đạo.
Quan trọng hơn, đây là cơ hội để ông Joe Biden khẳng định lập trường về mối “quan hệ ổn định, có thể dự đoán” Mỹ-Nga, song không vì thế mà từ bỏ cam kết an ninh với đồng minh châu Âu.
Sự trấn an này là cần thiết khi sau G7, lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Joe Biden sẽ họp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Tương tự là quan hệ với Trung Quốc. Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã lên án vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, cam kết ngăn chặn “các chính sách kinh tế cưỡng ép” của Bắc Kinh. Dù Trung Quốc không tham dự G7, song sự hiện diện và trỗi dậy mạnh mẽ của cường quốc châu Á này đã là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận trước và bên lề thượng đỉnh.
Thượng đỉnh G7 là cơ hội để ông Joe Biden khẳng định lập trường về mối “quan hệ ổn định, có thể dự đoán” Mỹ-Nga, song không vì thế mà từ bỏ cam kết an ninh với đồng minh châu Âu.
Trong cuộc gặp ngày 10/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cần có một cuộc điều tra cặn kẽ hơn về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, trong đó đề cập vai trò của Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng G7 sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là chủ nghĩa đa phương dựa trên các giá trị, dù Moscow và Bắc Kinh có thể phản đối.
Sự hiện diện của các thành viên Bộ tứ cùng các thành viên Liên minh châu Âu tại G7 cũng là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm kiếm sự đồng thuận trong đối phó với ảnh hưởng trải dài của Trung Quốc từ châu Âu tới châu Á trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Cuối cùng, ngày 13/6, G7 có thể đề xuất một sáng kiến về cơ sở hạ tầng và phát triển nhằm đối chọi với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.
Với Iran, Hội nghị G7 được trông chờ sẽ bàn về khôi phục Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015. Việc đưa Mỹ trở lại thỏa thuận sẽ được Anh, Đức và Pháp (nhóm E3) hoan nghênh.
Nhìn chung, nghị trình G7 là một phần của “Học thuyết Biden”: tập hợp lực lượng dân chủ trên thế giới qua các thể chế đa phương nhằm chống lại các đối thủ thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Đây là một điểm khác biệt lớn so với chủ nghĩa đơn phương của ông Donald Trump.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-g7-ngay-thu-hai-covid-19-nga-va-trung-quoc-148144.html