Thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật: Kỳ vọng kết quả đột phá tại cuộc gặp gỡ lịch sử
Truyền thông quốc tế những ngày này đang tập trung vào tâm điểm: Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản diễn ra vào 18/8 tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ ở Maryland.
Cuộc gặp được nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia tin rằng có thể dẫn đến một bước đột phá trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn ở Đông Á.
Cột mốc mới trong hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn
Đó là nhìn nhận của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về cuộc gặp được đánh giá là mang tính lịch sử tại Trại David tháng 8 này. “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn được tổ chức tại Trại David sẽ đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác ba bên góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tầm quan trọng của hợp tác an ninh ba bên đang ngày càng gia tăng. Để ngăn chặn cơ bản các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, 3 bên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cần phải hợp tác chặt chẽ về các thiết bị do thám cũng như tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo thời gian thực” - Tổng thống Hàn Quốc khẳng định.
Trước đó, ông Kurt Campbell - Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về các vấn đề ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từng cho biết, Washington kỳ vọng sự tan băng trong quan hệ giữa các nước láng giềng châu Á sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ba bên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trước các thách thức về an ninh tại khu vực, cũng như trên thế giới.
Trong một tuyên bố mới đây, Nhà Trắng đã khẳng định: “Chúng tôi tái xác nhận mối quan hệ hữu nghị bền chặt và liên minh bất khả xâm phạm giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác ba bên”.
Các nhà quan sát thì cho rằng việc lần đầu tiên Mỹ - Nhật - Hàn tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên dựa trên chương trình nghị sự chung giữa ba nước, thay vì cuộc gặp bên lề một diễn đàn đa phương, thể hiện sự thắt chặt tình đoàn kết giữa ba nước này trong bối cảnh những bất ổn an ninh liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Theo truyền thông quốc tế, trong lịch sử, ba nước Mỹ - Nhật - Hàn đã tổ chức các cuộc gặp ba bên 12 lần. Trong đó, 3 nguyên thủ đương nhiệm của 3 nước: Tổng thống Yoon Suk-yeol, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida đã 3 lần gặp nhau. Tuy nhiên, các cuộc gặp đó đều diễn ra bên lề các sự kiện ngoại giao đa phương. Đây sẽ là lần đầu tiên cuộc họp ba bên trở thành một sự kiện độc lập.
Thêm vào đó, việc cuộc gặp được tổ chức tại Trại David - nơi thường đóng vai trò là địa điểm cho các sự kiện ngoại giao quan trọng trong những thời khắc quan trọng của lịch sử và việc Hội nghị Thượng đỉnh là chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Trại David dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho thấy tầm vóc hết sức được chú ý của sự kiện 3 bên lần này.
“Trại David sẽ được ghi vào lịch sử ngoại giao thế kỷ XXI với tư cách là địa điểm mở ra một chương mới trong hợp tác ba bên” - Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo nhìn nhận. Bên cạnh đó, một nguồn tin mới đây cũng tiết lộ, theo đề xuất từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn nhiều khả năng sẽ đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên một cách thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần.
Thảo luận về tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác ba bên
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tập trung thảo luận về một tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác ba bên, cũng như xây dựng các cơ chế hợp tác toàn diện và đa tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở mọi cấp độ. Bên cạnh đó, lãnh đạo ba nước cũng sẽ tiến hành trao đổi về các biện pháp để hợp tác thúc đẩy thịnh vượng và phát triển tương lai của khu vực, trong đó có các cách thức hợp tác về các công nghiệp hiện đại, củng cố các mối quan hệ đối tác để ứng phó với các vấn đề an ninh kinh tế như những rủi ro liên quan chuỗi cung ứng và năng lượng.
Dự kiến, một trong những “đầu việc” trọng tâm được bàn bạc tại Hội nghị còn là cách thức nhằm “thể chế hóa hơn nữa” cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh giữa 3 nước. Cơ chế này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì an ninh và ổn định ở trong và ngoài khu vực châu Á. Ba bên sẽ mở rộng phạm vi hợp tác ngoài bán đảo Triều Tiên, cùng nhau duy trì trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Theo kế hoạch, kết thúc hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật - Hàn sẽ đưa ra tuyên bố chung và một tài liệu riêng rẽ trong đó vạch ra những nguyên tắc cơ bản đối với quan hệ hợp tác ba bên.
Trước khi cuộc họp thượng đỉnh tại Trại David diễn ra, ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã có cuộc họp trực tuyến.